Chàng trai 29 tuổi trở thành Trợ lý CEO lương 25 triệu/ tháng nhờ trả lời câu hỏi “Khen sếp sao cho không “thảo mai”

(NTD) - Tập đầu tiên của “Cơ Hội Cho Ai? – Whose Chance?” mùa 3 đã lên sóng tuần trước và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả xem đài bởi những đổi mới tích cực mà nhà sản xuất mang đến.


Tiếp nối ở khung phát sóng quen thuộc, tập 2 của chương trình truyền hình thực tế về việc làm mùa 3 tiếp tục phục vụ khán giả vào lúc 12g00 trưa thứ Bảy 13/11/2021.

MC Thành Trung vẫn là người dẫn dắt quen thuộc của chương trình. Tập 2 Cơ Hội Cho Ai vẫn là sự hiện diện của 6 sếp quyền lực là những người trao cơ hội việc làm cho các ứng viên, gồm: Sếp Lê Đức Thuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc - BNA), Sếp Lưu Nga (Chủ tịch HĐQT - Nhà sáng lập Công ty TNHH Thời trang ELISE), Sếp Lê Trí Thông (Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ), Sếp Nguyễn Trung Dũng (Chủ tịch HĐQT & TGĐ Công ty CP DH FOODS), Sếp Lê Hùng Anh (CEO BIN CORPORATION GROUP), và Sếp Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch HĐQT FPT Telecom).

Tập 2 là cuộc đối đầu của 2 cặp ứng viên.

CẶP ỨNG VIÊN 1

Ở vòng 1 – Đối mặt, 2 ứng viên tham gia sẽ cùng nhau bày tỏ quan điểm và phản biện lẫn nhau trước một chủ đề, tình huống mà nhà sản xuất đưa ra. Thông qua việc đưa ra ý kiến cá nhân, cách xử lý tình huống, cách đặt câu hỏi chất vấn của từng ứng viên, các sếp sẽ lựa chọn người phù hợp hơn để trao cơ hội đi tiếp vào vòng trong.

Cặp ứng viên đầu tiên đối đầu tại vòng 1 là:

Trần Minh Tài, 29 tuổi, có 7 năm kinh nghiệm làm việc. Anh đang theo học thạc sĩ ngành Quản lý Tài Nguyên Môi trường thuộc trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Anh sở hữu 1 bằng Cao đẳng chuyên ngành Quản lý đất đai, 2 bằng đại học chuyên ngành: Kỹ thuật môi trường và Hệ thống thông tin, cùng thuộc Đại học Nông Lâm. “Nếu sếp cần 12 giờ đêm em vẫn sẽ có mặt” là tôn chỉ làm việc của Minh Tài.

Đối thủ của Minh Tài là Nguyễn Minh Cường, 26 tuổi, cử nhân Đạo diễn sự kiện – Quản lý văn hóa nghệ thuật Đại học Văn hóa Hà Nội. Anh có 11 năm kinh nghiệm nhảy múa chuyên nghiệp, 9 năm kinh nghiệm giảng dạy và biên đạo, 4 năm quản lý nhân sự và tổ chức sự kiện. Minh Cường từng tham gia học tập và thi đấu tại 10 quốc gia châu Á, trong đó từng đạt 3 giải nhất tại Malaysia, 2 giải nhì tại Trung Quốc, Hàn Quốc.

Minh Cường “tìm việc online” trên truyền hình, anh chàng ở tại đầu cầu Hà Nội, thông qua kết nối kỹ thuật để tham gia chương trình.

Vòng 1 – Đối mặt

Tình huống phản biện được đặt ra là: “Sếp của bạn luôn miệng khuyến khích nhân viên trao đổi cởi mở, góp ý chân thành. Nhưng khi bạn góp ý về một số điểm chưa tốt, cần điều chỉnh của sếp để công việc được tốt hơn thì sếp lại khó chịu ra mặt. Bạn nên làm gì lúc này?”.

Là người bốc phải chiếc thăm ngắn hơn, Minh Cường là người đưa ra quan điểm trước. Chàng trai 26 tuổi cho rằng vì bản thân làm truyền thông nội bộ nên hiểu rõ tính cách của từng người, từng bộ phận trong công ty, cũng như hiểu rõ cá tính của sếp. Thế nên, nam ứng viên sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc đưa ra những ý kiến khiến sếp khó chịu.


Không đồng tình với ý kiến của đối thủ, Minh Tài tiếp lời: “Nghệ thuật là phải khen trước khi chê, để người ta không tự ái, không ai muốn bị nói xấu trước mặt nhân viên của mình”. Nam ứng viên đưa ra giải pháp sẽ góp ý riêng với sếp, còn trước đám đông, anh chàng sẽ khen để giữ thể diện cho sếp, vì “giữ thể diện cho sếp là giữ thể diện cho mình”.

Minh Tài đặt câu hỏi chất vấn đối thủ ngay sau đó: “Bạn tìm hiểu và làm cách nào để gắn kết mọi người trong công ty?”.

Trả lời nghi vấn từ đối thủ, Minh Cường cho biết khi gia nhập một công ty mới, anh chàng sẽ đọc hết tất cả hồ sơ nhân viên do bộ phận nhân sự cung cấp để có thể hiểu hoàn cảnh của từng người. Ngoài ra, nam ứng viên sẽ tổ chức những hoạt động tập thể để nâng cao khả năng gắn kết.

Đặt ngược lại chất vấn cho Minh Tài, Minh Cường hỏi: “Khen thế nào để không bị đánh giá là “thảo mai”?.

“Nếu mình khen mà người ta cho là “thảo mai” thì nghĩa là cách khen của mình chưa đúng. Lời khen đi trước là lời khen khôn, sẽ khiến người khác vui lòng” – Minh Tài tiếp lời. Với 10 năm kinh nghiệm làm việc của mình, nam ứng viên cho rằng rất ít người làm được điều này, hầu như chỉ thấy ở vị trí lãnh đạo cao cấp, vì thế nếu anh làm nhuần nhuyễn việc khen này, bản thân sẽ trở nên nổi bật trong mắt sếp và những người xung quanh.

Kết thúc vòng Đối mặt, Minh Tài nhận được 5/7 bình chọn, Minh Cường nhận được 2/7 bình chọn. Minh Tài giành chiến thắng trước đối thủ và bước tiếp vào vòng thi thứ 2 – Vòng chinh phục.

Cánh cửa không khép lại với người thua cuộc

Tuy thua cuộc trong chương trình, nhưng cơ hội việc làm cho Minh Cường chưa khép lại tại đây. Sếp Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, hy vọng nam ứng viên ít nhất sẽ trở thành Cộng tác viên tại công ty ông.

Tỏ ra vui mừng trước lời mời của sếp, sau đó, chàng trai 26 tuổi bất ngờ bật mí trước khi nộp hồ sơ tham gia Cơ Hội Cho Ai, anh chàng từng nộp hồ sơ vào FPT, tuy nhiên website của công ty bị lỗi. Sau đó, Minh Cường tìm ra được Facebook cá nhân của chuyên viên tuyển dụng, nhưng rất tiếc là lại hết hạn nộp hồ sơ.

Lời chia sẻ thành thật của Minh Cường khiến các sếp phì cười. Tỏ ra khá hứng thú với ứng viên, sếp Tiến đề nghị chàng trai 9x nên nhắn tin riêng cho ông ngay sau chương trình, ngoài ra, ông cũng chỉ đạo cho Giám đốc sáng tạo của FPT Telecom trực tiếp liên hệ và tổ chức phỏng vấn với Minh Cường sau đó.

Vòng 2 – Chinh phục

Ờ vòng Chinh phục, Minh Tài nhập mức lương kỳ vọng vào chiếc “va-ly bí mật” mà ban tổ chức cung cấp. Sau đó, 6 sếp quyền lực sẽ đặt câu hỏi để thẩm định về kinh nghiệm làm việc, năng lực chuyên môn, kiến thức xã hội lẫn trải nghiệm thực tế của ứng viên

Sếp Tiến đặt câu hỏi chất vấn: “Bạn biết sếp bạn có những hành vi vi phạm pháp luật, chẳng hạn như bắt nhân viên đi làm khi nhà nước yêu cầu làm việc ở nhà, hay thay vì giãn cách 2m, công ty chật nên chỉ còn 1m chẳng hạn, với tư cách là Trưởng phòng hành chính, phó ban nhân sự, bạn sẽ làm gì?”.

“Em sẽ tư vấn cho sếp lợi ích và rủi ro khi áp dụng quy định đó. Sau khi em đã tư vấn rồi, thì quyền quyết định thuộc về sếp. Trong trường hợp sếp tin em và cho em quyền quyết định, thì em sẽ không làm trái với pháp luật” – Minh Tài trả lời.

Sếp Lê Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (BNA) tiếp lời đồng đội ghế “nóng”: “Em đánh giá điểm mạnh, điểm yếu trong công việc của mình là gì? Mục tiêu nghề nghiệp của em là gì?”.

“Đứng trên cương vị là trợ lý cho các sếp ở đây, nếu các sếp quay đến 5 giờ sáng, em cũng sẽ ở đây đến 5 giờ sáng. Và khi các sếp nghỉ giai lao, vừa bước xuống sân khấu sẽ có nước yến, khăn lạnh, máy mát-xa, để các sếp có thể thoải mái nhất. Vừa nãy em có nghe sếp Nga nói rằng chị đau lưng quá, vậy thì em sẽ chuẩn bị thêm cho chị một cái ghế mát-xa hoặc một cái gối chườm nóng, thêm một ít kẹo ngậm và trên bàn các sếp sẽ luôn có nước yến để sẵn. Nói về mục tiêu nghề nghiệp, hôm nay em đứng ở đây nhưng ngày mai có thể em sẽ ngồi trên ghế của các sếp” – Chàng trai 29 tuổi khẳng định.

Hoàn thành phần hỏi – đáp, 6 sếp sẽ quyết định nhấn đèn xanh nếu hài lòng về ứng viên, nhấn đèn vàng là có điều còn băn khoăn và đưa ra lời cảnh báo cho ứng viên, nhấn đèn đỏ là không hài lòng và từ chối tuyển dụng.



Kết quả, Minh Tài sở hữu 4 đèn xanh và 2 đèn đỏ, đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng cuối cùng – vòng Cơ hội cho ai.

Vòng 3 – Cơ Hội Cho Ai

Mức lương kỳ vọng của Minh Tài là 19.000.000 đồng.

Chàng trai 29 tuổi được 4 lời mời làm việc tại :

- BIN CORPORATION GROUP cho vị trí Trợ lý Giám đốc Nhân sự với mức lương 17.789.789 đồng

- Elise cho vị trí Trợ lý Giám đốc với mức lương 18.000.000 đồng

- Bảo Ngọc cho vị trí Trợ lý Tổng giám đốc với mức lương 25.000.000 đồng

- FPT Telecom cho vị trí Trợ lý hành chính nhân sự với mức lương 22.001.111 đồng

Nói thêm về quyết định tuyển dụng của mình, sếp Thuấn cho biết: “Anh offer em làm trợ lý Tổng Giám đốc, hôm nay anh ấy không ở đây. Nếu về mà Tổng giám đốc không cần trợ lý, thì em làm trợ lý cho anh luôn. Mức lương 25 triệu là cho vị trí trợ lý Tổng giám đốc, còn nếu em làm trợ lý của anh thì mức lương sẽ gấp rưỡi con số này. Công việc trợ lý cho anh khá phức tạp, em sẽ không còn thời gian để làm thêm bên ngoài kiếm thêm thu nhập, vì thế anh sẽ offer mức lương xứng đáng cho em”.

Kết quả chung cuộc, nam ứng viên quyết định “xin làm nhân viên” của sếp Thuấn, đầu quân Bảo Ngọc.

CẶP ỨNG VIÊN 2

Cặp ứng viên thứ hai đối đầu tại vòng 1 là:

Nguyễn Thị Thanh Trúc, 35 tuổi, là cử nhân Quan hệ quốc tế trường Đại học HUFLIT, cử nhân chuyên ngành Tâm lý trị liệu trường Đại học KHXH&NV TP.HCM. Cô là tác giả kịch bản phim “Máu chảy về tim”. Ngoài ra, cô còn trực Hotline 1022 hỗ trợ tâm lý khủng hoảng cho người dân trong đại dịch.

Ứng viên còn lại là Nguyễn Trọng Hoàng, 23 tuổi, cử nhân chuyên ngành tiếng Anh Thương mại, ĐH Ngoại Thương Hà Nội. Top 4 cuộc thi Khởi nghiệp Doanh nghiệp Xã hội toàn quốc, Quán quân cuộc thi Tài năng Lãnh đạo 2018. Trọng Hoàng có 3 năm kinh nghiệm lên kế hoạch và quản lý dự án Marketing - Truyền thông tích hợp cho các tập đoàn đa ngành. Ngoài ra, ứng viên 9x còn quản lý truyền thông của Nhà sáng tạo nội dung số với hệ thống các kênh mạng xã hội sở hữu hơn 2 triệu người theo dõi.

“Đến với chương trình, em muốn đặt ra vấn đề về định kiến giới trong môi trường công việc, đặc biệt là đối với cộng đồng LGBTQ+. Không quan trọng chúng ta là ai, ngoại hình như thế nào, chúng ta yêu ai, mà quan trọng là năng lực, ước mơ, thái độ làm việc sẽ quyết định chúng ta có đạt được thành công trong cuộc sống hay không?” – Trọng Hoàng chia sẻ thêm động lực đến với Cơ Hội Cho Ai.

Câu hỏi phản biện mà nhà sản xuất đặt ra cho ứng viên là: “Nhiều người cho rằng: trước khi phỏng vấn thì quan tâm đến JD (mô tả công việc), khi đi làm thì không nên chú ý đến JD nữa. Bạn có đồng ý với cách nghĩ này không?”

Là người rút phải chiếc thăm ngắn hơn, Trọng Hoàng đưa ra quan điểm trước. Ứng viên 9x không đồng ý với ý kiến trên. Trọng Hoàng cho rằng JD rất quan trọng vì nó là cốt lõi công việc giúp định hướng bản thân sẽ làm gì trong công ty. Tuy nhiên, ứng viên cũng bổ sung rằng không nên giới hạn bản thân trong JD, chỉ gói gọn làm những việc trong mô tả, mà hãy mở rộng phạm vi và làm những việc có liên quan đến năng lực chuyên môn của mình.

Ngược lại với đối thủ, Thanh Trúc đồng ý với quan điểm mà chương trình đưa ra, nhưng không hoàn toàn. Cô nàng 8x cho rằng JD vô cùng quan trọng trong phỏng vấn tìm việc, người lao động nhờ vào JD để biết bản thân có phù hợp với công việc này hay không. Tuy nhiên khi vào làm thực tế, rất ít công ty giao việc đúng y như những gì JD mô tả, thường sẽ nhiều việc hơn.

Đặt câu hỏi chất vấn đối thủ ngay sau đó, Thanh Trúc hỏi: “Đối với những công ty có lề thói văn hóa sẵn, thì làm cách nào bạn có thể góp ý, đề xuất những giải pháp mới?”.

Trả lời đối thủ, Trọng Hoàng cho biết khi nhìn vào JD sẽ biết công ty đang khuyết chỗ nào và cần người như thế nào để có thể nương theo đề xuất.

Ứng viên 9x tiếp lời đặt câu hỏi cho đàn chị: “Nếu JD yêu cầu 7 năm kinh nghiệm, nhưng chị chỉ có 4 năm kinh nghiệm, thì chị có apply không, tại sao?”.

Thanh Trúc khẳng định trong tình huống đó, cô vẫn sẽ nộp hồ sơ, bởi số năm kinh nghiệm chỉ là tượng trưng, cô vẫn sẽ cho bản thân một cơ hội.

Sếp Thuấn là vị sếp đầu tiên đặt câu hỏi để tìm hiểu ứng viên, ông thử thách Trọng Hoàng: “Xu hướng marketing trong tương lai sẽ như thế nào?”.

“Tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng. Trước đây, người tiêu dùng thích đến trực tiếp cửa hàng để mua sắm, nhưng hiện tại họ đã dần chuyển sang hình thức mua sắm online. Chính vì thế xu hướng marketing trong ít nhất thập niên này là Digital marketing. Xu hướng thứ hai là Influencer marketing, tức là marketing dựa trên những nhân vật có tầm ảnh hưởng, kết hợp với hình thức affiliate marketing (Tiếp thị liên kết) để lan tỏa thông tin đến người tiêu dùng” – Trọng Hoàng chia sẻ.

Sếp Thông đặt câu hỏi cho Thanh Trúc: “Đại dịch đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng như thế nào? Và với sự ảnh hưởng đó, thì cách thức truyền thông ở giai đoạn này có cần phải thay đổi như thế nào?”



“Em trực tổng đài 1 ca 6 tiếng, tiếp nhận từ 50 – 60 cuộc gọi. Trong dịch, tâm lý mọi người rất bức bối, sang chấn tâm lý, không kể là doanh nhân hay người bán vé số. Một người doanh nhân sau dịch cũng có thể đi bán vé số. Về cách truyền thông, em làm về tâm lý, nên em quan trọng tâm hồn nhiều hơn, cách em làm truyền thông sẽ nhân văn hơn” – Thanh Trúc bộc bạch.

Kết thúc vòng Đối mặt, Trọng Hoàng nhận được 6/7 bình chọn, Thanh Trúc nhận được 1/7 bình chọn. Trọng Hoàng giành chiến thắng trước đối thủ và bước tiếp vào vòng thi thứ 2 – Vòng chinh phục.

Vòng 2 – Chinh phục

Dành nhiều tình cảm cho ứng viên, sếp Lưu Nga bày tỏ sự yêu mến đến ứng viên 23 tuổi nhưng sở hữu bản lĩnh không thể xem thường. “Em tốt nghiệp Ngoại thương năm nào nhỉ?” - Sếp Nga tìm hiểu.

Trọng Hoàng cho biết bản thân chỉ vừa mới hoàn thành chương trình học tại Đại học Ngoại thương và sẽ nhận bằng cử nhân trong thời gian sắp tới. Tuy chưa có bằng Đại học, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ thế hệ Gen Z, ứng viên đã từng bảo lưu một năm để đi làm. Trọng Hoàng cho rằng bản thân là người sống có mục đích, khi xác định mình sẽ gắn bó với truyền thông, marketing mà chương trình học tại trường không giúp ích gì cho kinh nghiệm làm việc nên đã tạm nghỉ học để đi làm. Sau một thời gian cọ xát thực tế, có trải nghiệm, thì quay trở lại ghế nhà trường, những kiến thức học được sau đó trở nên bổ ích hơn rất nhiều.

Sếp Thông tiếp lời để thử thách ứng viên: “Làm thế nào để loại bỏ những tính ảo trong các hoạt động digital marketing hiện nay?”.

“Chỉ số tiếp cận ảo, không mang lại doanh thu thực cũng như người quan tâm thật đến thương hiệu là một vấn để vô cùng đau đầu. Đối với kinh nghiệm làm việc của mình, em thường đo chỉ số tương tác engagement cũng như chỉ số chuyển đổi từ người quan tâm đến hành động mua hàng hơn” – Trọng Hoàng trả lời.

Câu trả lời của ứng viên chưa hoàn toàn thuyết phục được sếp Thông, ông bật cười và chia sẻ thêm: “Thật ra chúng ta đều biết chỉ số tương tác cũng ảo rất nhiều. Câu hỏi cuối cùng của tôi, em muốn làm việc ở phía Bắc hay phía Nam?”.

“Em rất yêu Hà Nội nên nếu được thì em mong sẽ được làm việc tại Hà Nội” - Ứng viên 9x khẳng định.

Kết thúc vòng chinh phục, Trọng Hoàng nhận được 4 đèn xanh và 2 đèn đỏ. Quyết định từ chối tuyển dụng thuộc về sếp Thông và sếp Hùng Anh. Chia sẻ lý do nhấn đèn đỏ, sếp Hùng Anh cho hay mặc dù rất yêu mến ứng viên nhưng công ty ông không có trụ sở tại Hà Nội nên không thể tuyển dụng. Đó cũng là câu trả lời từ sếp Thông, tuy nhiên “vị sếp nhân duyên” vẫn mở ra cho ứng viên cơ hội có thể liên lạc với mình bất cứ khi nào nếu có nhu cầu thay đổi môi trường làm việc.

Vòng 3 – Cơ Hội Cho Ai

Mức lương kỳ vọng của Trọng Hoàng 26.200.000 đồng.

Nói về lý do tuyển dụng Trọng Hoàng, sếp Dũng cho biết: “Mặc dù công ty anh ở TPHCM nhưng anh vẫn bấm nút xanh vì biết đâu em lại đổi ý. Chủ yếu DH FOODS làm marketing trên các nền tảng digital. Làm việc tại DH FOODS không những có lương ưu đãi mà còn có cổ phiếu ưu đãi cho các nhân viên, em sẽ là người góp sức cho giá trị ấy tăng thêm trong nhiều năm sau đó. Anh vẫn mong em suy nghĩ lại”.

Sếp Nga không ngần ngại bày tỏ sự ưu ái đối với ứng viên: “Em còn rất trẻ, nhưng người ở độ tuổi của em, tôi chưa thấy ai được như em. Tôi offer cho em vị trí Trợ lý Giám đốc Marketing, hoặc nếu em muốn, em có thể làm Trợ lý cho tôi để làm những công việc liên quan đến digital”.

Sếp Thuấn chia sẻ thêm về chính sách phúc lợi cũng như lộ trình làm việc mà ông ướm chừng cho Trọng Hoàng: “Anh offer lương năm cho em khoảng 400-450 triệu. Mỗi tháng nhận 70% lương, còn lại sẽ nhận theo quý, cuối năm nếu đạt KPI. KPI cũng sẽ do team marketing chủ động xây dựng. Và anh dự kiến để em dẫn dắt 1 nhóm gồm 5 - 7 bạn cho công ty dược mà anh mới thành lập”.

Ứng viên 9x nhận được 4 lời mời làm việc tại :

- DH FOODS cho vị trí Chuyên viên marketing với mức lương 20 triệu đồng

- FPT Telecom cho vị trí Digital Marketing Manager với mức lương 25.000.102 đồng

- Bảo Ngọc cho vị trí Phụ trách Marketing ngành Dược phẩm với mức lương 29.000.000 đồng

- Elise cho vị trí Trợ lý Digital Marketing với mức lương 30.000.000 đồng

Mức lương mà sếp Dũng và sếp Tiến đưa ra dưới mức kỳ vọng của ứng viên, nên đã mất đi quyền tuyển dụng.

Trọng Hoàng sau đó đã đặt câu hỏi cho sếp Nga và sếp Thuấn trước khi đưa ra quyết định đầu quân cuối cùng. “Em muốn hỏi về thời gian làm việc, em sẽ rất vui nếu được nghỉ thứ 7 và chủ nhật” - Ứng viên gen Z ngại ngùng chia sẻ.

Trả lời thắc mắc của ứng viên, sếp Thuần cười xòa: “Anh là người yêu nghệ thuật và sáng tạo nên không gò bó, anh chỉ nói như vậy thôi”.

Mặt khác, quyết tâm chiêu mộ ưng viên ưng ý, sếp Nga khẳng định: “Chị rất thích em, em nghĩ gì trong đầu chị có thể đọc được. Em thích gì em cứ thử, chị Lưu Nga luôn ở đây, luôn luôn tiếp nhận em”.

Kết quả cuối cùng, Trọng Hoàng đã quyết định đầu quân về Elise cho vị trí Trợ lý Digital Marketing với mức lương 30.000.000 đồng, giống với lời tiên đoán từ trước của MC Thành Trung “áo hồng thì về với áo hồng”.

“Cơ Hội Cho Ai? – Whose Chance?” do Đài Truyền hình Việt Nam và ALO Media phối hợp sản xuất. Chương trình phát sóng trên kênh VTV3 – Đài truyền hình Việt Nam, vào lúc12h trưa thứ Bảy hàng tuần từ ngày 6/11/2021.

Khôi Huy
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595