Đi tìm "thành phố đáng sống"

TTGĐ - Có nhiều quan điểm về "thành phố đáng sống". Người già và người trẻ, một vị giáo sư và anh thợ thủ công, người hài lòng và không hài lòng về cuộc sống hiện tại đều có thể có những tiêu chí đánh giá về khái niệm này. Đầu năm mới, mạo muội đưa ra một vài phác họa diện mạo một "thành phố đáng sống".


Đại đô thị là nơi đáng sống?

Nếu theo dõi các đề án phát triển hoặc điều chỉnh quy hoạch chung của các thành phố, đô thị lớn nhỏ ở nước ta, với mốc thời gian là năm 2030 chẳng hạn, sẽ dễ dàng nhận thấy thành phố nào cũng dự kiến phình to, lớn hơn và lớn hơn nữa. Đề cương "Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050" đã được HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt, thúc đẩy phát triển một đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 3 đô thị sinh thái, chưa kể 11 thị trấn, có thể biến thủ đô thành một đô thị khổng lồ với khoảng 10 triệu dân vào năm 2030. TP.HCM với dân số đã gần 10 triệu người, trước đây đề xuất thành lập 4 thành phố vệ tinh trực thuộc, có nhiều đô thị bên trong một đô thị, nay đang triển khai bước đầu tiên thành lập thành phố Thủ Đức. Hải Phòng cũng đề nghị thành lập thành phố Thủy Nguyên bên trong thành phố. Bản điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được phê duyệt, cũng tăng diện tích với dự kiến quy mô dân số năm 2030 là 2,5 triệu người (hiện nay là 1,6 triệu người). Đặc biệt, đề án "Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030" còn dự phóng diện tích thành phố Huế sẽ hơn 348 km vuông sau khi mở rộng, gấp 5 lần hiện tại.

Đành rằng quá trình đô thị hóa là không thể đảo ngược. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có phải đại đô thị là nơi đáng sống hơn các đô thị nhỏ?

Câu trả lời có thể đáng ngạc nhiên đối với một số người. Các nghiên cứu có tính quốc tế cho rằng, "đô thị đáng sống" thường có dân số không cao, giới hạn trong khoảng ít hơn 3 triệu dân. Đô thị quá lớn sẽ phức tạp, thiếu bản sắc và cộng đồng thiếu gắn bó; vấn đề lớn hơn là khả năng giải quyết không gian đô thị, tiện nghi sinh hoạt, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống người dân. Các bản đề án quy hoạch vừa nêu trên đều có nội dung đánh giá về hiện trạng hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường, như giao thông, cao độ nền, cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, cho đến quản lý nước thải và chất thải rắn, quản lý nghĩa trang... Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề kẹt xe, ngập nước, rác thải, xây dựng tự phát, ô nhiễm không khí vượt mức cảnh báo... vẫn là những vấn đề chưa được giải quyết triệt để tại những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.


Theo kết quả cuộc khảo sát xếp hạng hằng năm của Công ty ECA International, trong năm qua, Singapore (khoảng 5 triệu dân) tiếp tục duy trì vị trí "thành phố đáng sống" nhất đối với người nước ngoài ở châu Á trong 15 năm liên tiếp, thành phố Brisbane của Úc (2,8 triệu dân) tiếp tục duy trì vị trí thứ hai, đều là những thành phố không có quy mô lớn. Cuộc khảo sát xếp hạng hằng năm này được thực hiện với khoảng 490 thành phố trên toàn thế giới, dựa trên các tiêu chí như môi trường, dịch vụ y tế, nhà ở và cơ sở tiện ích, sự an toàn cá nhân và khả năng tiếp cận với mạng lưới xã hội. Ở châu Âu, đa số thành phố lớn đều ít dân. Thủ đô Paris của Pháp, nơi tạo điều kiện tối đa bảo tồn văn hóa và di sản, hầu như không có nhiều nhà cao tầng, chỉ có 2 triệu dân. Để đáp ứng nhu cầu mở rộng đô thị, Paris đề xuất xây dựng khu "trung tâm mới" La Défense nhưng lại tọa lạc tại tỉnh giáp ranh Hauts-de-Seine, không thuộc Paris.

Cảnh quan và tiện nghi

Điều kiện được xét đến đầu tiên khi xác định một thành phố đáng sống là bảo đảm tiện nghi cuộc sống, từ cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập, điều kiện mua sắm, an ninh, đi lại, cho đến các dịch vụ y tế, học hành, giải trí. Trong xu hướng tận dụng công nghệ thời đại 4.0 để đáp ứng tối đa các nhu cầu của cuộc sống người dân, nhiều thành phố trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang hối hả triển khai các bước phát triển thành phố thông minh như một trào lưu. Người ta thường gắn khái niệm "thông minh" theo hướng thành phố phải thay đổi để thích ứng các loại công nghệ mới, do sự chín muồi của ứng dụng công nghệ. Nói chung, trong một thành phố thông minh, nguồn vốn con người, nguồn vốn xã hội cùng với sức mạnh công nghệ được phối hợp và phát huy để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp và bền vững.

Thành phố thông minh là nơi giải quyết các vấn đề đô thị một cách thông minh hơn, chứ không nhất thiết phải sử dụng công nghệ gì. Chẳng hạn, Amsterdam (Hà Lan) được cho là một trong những thành phố thông minh nhất châu Âu do tổ chức thành công việc đi lại bằng xe đạp, vừa giải quyết tắc nghẽn giao thông và giảm phát thải carbon, vừa tiết kiệm năng lượng, làm thành phố an toàn và thân thiện hơn, lại tạo điều kiện cho người dân vận động. Ở cạnh Việt Nam, sân bay quốc tế Suvarnabhumi tại Bangkok (Thái Lan) thay thế sân bay Don Muang, đã trở thành điểm nút hàng không khu vực, xếp thứ 18 trong các sân bay bận rộn nhất thế giới, phục vụ trên 50 triệu lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên, cửa ra của hành khách sân bay muốn sử dụng taxi rất rộng và thoáng, không bao giờ thấy cảnh chen chúc xô bồ hay tắc nghẽn. Khách lần lượt rút một tấm giấy đặt chỗ từ máy tự động, trên đó ghi rõ số xe taxi và số ô của vị trí đậu xe, nơi có tài xế chờ sẵn, không tốn quá vài ba phút. Ước gì sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài triển khai được chu trình thông minh này như của người bạn láng giềng Thái Lan!


Tuy nhiên, có vẻ như các nhà quản lý đô thị ở một số nơi quá tập trung vào yếu tố công nghệ mà quên mất yếu tố con người. Thực ra, người ta chỉ cảm thấy thoải mái khi sử dụng công nghệ trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, không bị áp lực, không bị cô lập hay lệ thuộc vào công nghệ. Còn gì vui thú khi sống trong một thành phố tương lai chỉ có bê tông và người máy! Hơn nữa, cuộc sống "đáng sống" còn bao hàm các yếu tố tinh thần, cả tín ngưỡng hay tâm linh. Cũng tại Thái Lan, nước đi đầu trong phát triển thành phố thông minh ở khu vực ASEAN, với mục tiêu đạt được 100 thành phố thông minh vào năm 2022, lại có những biểu hiện trái ngược đối với người viết bài này. Cuối năm ngoái, trở lại Bangkok sau 5 năm, thấy thành phố này mọc thêm rất nhiều nhà cao tầng, hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt đô thị trên cao được đầu tư tốt và hiện đại hơn trước rất nhiều, nhưng không khí lại ngột ngạt hơn trong cảnh quan bê tông hóa, bầu trời hầu như bị che khuất và con người có vẻ lạnh lùng, căng thẳng, ít thân thiện hơn trước.

Người ta chỉ cảm thấy thoải mái khi sử dụng công nghệ trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, không bị áp lực, không bị cô lập hay lệ thuộc vào công nghệ. Hơn nữa, cuộc sống "đáng sống" còn bao hàm các yếu tố tinh thần, cả tín ngưỡng hay tâm linh.

Cảnh quan thành phố đóng vai trò quan trọng trong cân bằng và ổn định tâm lý thị dân. Một thành phố có núi hay biển, hay sông, hồ, vừa đa dạng cảnh quan, cân bằng tiểu khí hậu, vừa tạo ra các điểm nhấn trong quy hoạch và thiết kế đô thị. Hãy thử tưởng tượng Hà Nội không có hồ Gươm, Huế không có sông Hương hay Đà Lạt không còn hồ Xuân Hương thì có còn là Hà Nội, Huế hay Đà Lạt nữa không. Thành phố Bà Rịa xây dựng đường sá rất rộng, đẹp, nhưng không có điểm nhấn cảnh quan. Trong khi đó, một số thành phố lại không tận dụng ưu thế cảnh quan thiên nhiên trong quy hoạch phát triển. Thành phố Quảng Ngãi tọa lạc bên sông Trà và chỉ cách núi Ấn vài cây số, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa làm sao biến những địa danh này khỏi tình trạng "bên bờ hiu quạnh", và chỉ mới bắt đầu phát triển ra hướng biển gần đây. TP.HCM cũng chưa chú ý tận dụng hệ thống kênh rạch, khai thác cảnh quan sông nước trong một thời gian dài.

Có lẽ người ta dễ đồng ý thêm rằng, một thành phố đáng sống mang trong lòng nó chiều sâu văn hóa và chiều dài lịch sử hiển hiện trên từng nét kiến trúc, cảnh quan đô thị còn giữ lại, cũng như cách thức cộng đồng sinh hoạt. Mặt khác, không thể thiếu "lá phổi" công viên, cây xanh. Singapore tận dụng từng tấc đất hiếm hoi để trồng cây. Phía Bắc thành phố Brussels (Bỉ) như lọt thỏm giữa rừng cây và đồng cỏ. Huế từng là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất nước, với hơn 64.000 cây xanh trên đường phố, công viên, là thành phố đầu tiên của Việt Nam được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) vinh danh là "Thành phố xanh quốc gia" vào tháng 6/2016. Liệu sau khi mở rộng diện tích lên gấp 5 lần hiện tại, Huế có còn đủ lực để duy trì là một thành phố lễ hội, di sản và xanh như hiện nay?

Khải Hoàng
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595