ASEAN hứng chịu tác động mạnh của dịch

TTGĐ - Có đến 155 triệu người lao động của khu vực ASEAN rất dễ bị tổn thương do các tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, theo báo cáo "Đánh giá nhanh về tác động của đại dịch COVID-19 đến sinh kế trên toàn khu vực ASEAN" mới công bố.


Đó là số liệu chỉ riêng ở năm lĩnh vực: 19 triệu người trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống và lưu trú; 55 triệu trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ; 45 triệu trong lĩnh vực sản xuất; 14 triệu trong lĩnh vực vận tải và kho bãi; và 22 triệu trong lĩnh vực xây dựng.

Trong báo cáo được Ban thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phối hợp với Quỹ châu Á công bố, nếu một phần nhỏ trong số các lao động nói trên bị ảnh hưởng bởi đại dịch, số người thất nghiệp mới có thể lên đến hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng chục triệu người trên khắp khu vực Đông Nam Á. 

Đại dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến phát triển kinh tế của tất cả các nước thành viên ASEAN. Vào tháng 6-2020, dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đã được điều chỉnh xuống còn -2% và có thể còn giảm hơn nữa. Tăng trưởng GDP thực tế của các nước ASEAN có thể giảm từ -3,4% đến -8%, trong đó Philippines, Campuchia, Thái Lan và Malaysia dự kiến ghi nhận mức giảm mạnh nhất.

Hiện chưa có ước tính cụ thể về số người rơi vào cảnh nghèo đói tại các nước ASEAN. Tuy nhiên, trong khu vực rộng lớn hơn là Đông Á và Thái Bình Dương, ước tính tỉ lệ nghèo đói sẽ tăng trở lại từ mức 7,6% năm 2018 lên mức 10,2% trong năm nay.

Báo cáo "Đánh giá nhanh về tác động của đại dịch COVID-19 đến sinh kế trên toàn khu vực ASEAN" do một nhóm chuyên gia thực hiện trên cơ sở tổng hợp các dữ liệu công khai với sự hỗ trợ của Quỹ Rockefeller, Bộ Ngoại giao và thương mại Úc. 

Ngoài phân tích, đánh giá các tác động của đại dịch, báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị quốc gia và khu vực trong việc định hình các chính sách và chương trình bao trùm nhằm hỗ trợ, đảm bảo sinh kế cho người dân, nhất là các đối tượng cụ thể dễ bị tổn thương.

Nhà kinh tế học Ari Kuncoro của Đại học Indonesia cho biết giải pháp chi tiêu của chính phủ thực tế có tác động đến nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, chỉ riêng chi tiêu của chính phủ sẽ không đủ để vực dậy nền kinh tế mà còn cần chi tiêu dùng của những công dân thuộc tầng lớp trung lưu. Do đó, chính phủ phải kiểm soát được dịch bệnh và cung cấp vắcxin rộng rãi để nâng cao niềm tin của người dân và thúc đẩy họ tham gia các hoạt động kinh tế.

Khải Hoàng
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595