Nhà văn Amanda Huỳnh và hành trình “Nơi chúng ta thuộc về”

TTGĐ - Là một người mộng mơ và nhiều xúc cảm, nhà văn Amanda Huỳnh luôn vẽ nên cuộc đời mình bằng những phác hoạ hoàn hảo. Giữa những nơi từng đi qua, người phụ nữ tài giỏi này luôn biết ơn những “Nơi cô thuộc về".

Có một người phụ nữ giỏi đến thế, xinh đẹp đến thế, sở hữu nhiều đam mê, hoài bão với những vốn sống tựa cánh đồng mênh mông, bát ngát. Và người phụ nữ được nhiều người ngưỡng mộ ấy chính là nhà văn, hoạ sĩ kiêm luật sư nổi tiếng Amanda Huỳnh. Có lẽ chính dòng máu chịu thương chịu khó của người Việt Nam, giao thoa với phong cách nhẹ nhàng, thanh lịch mà quý phái khi sinh sống và làm việc tại Paris đã giúp cho cái nôi thi sĩ của cô được vỗ về và ngày càng bay bổng.


Trải qua tuổi thơ không mấy êm đềm khiến người phụ nữ này trở nên mạnh mẽ, kiên cường và độc lập. Cô biết chỉ có thành công là cách an toàn nhất để phủ lên mình lớp vỏ bọc chống lại những giông tố ngoài kia. Sở hữu tài năng hội hoạ thiên bẩm, cô tự vẽ nên chính bức tranh của cuộc đời mình. Ở tuổi 28, Amanda Huỳnh đã truyền cảm hứng đến giới trẻ bởi thành tích học tập đáng nể và có bằng Tiến sĩ tại Pháp. Điều đó mở ra cho cô muôn vàn cơ hội làm việc tại nhiều tập đoàn danh tiếng với vị trí quản lý cấp cao. Năm 2013, cô trở thành gương mặt Tài năng trẻ do tổ chức nghệ thuật đa quốc gia Art 3F của Châu Âu vinh danh đưa những tác phẩm của mình được trưng bày tại các phòng triển lãm ở Pháp và Dubai.

Amanda Huỳnh đã đặt bút ký hoạ và cho ra đời 2 quyển sách “Lam” và “Có hẹn với Paris”. Đối với cô, những bản thảo này không chỉ là cuốn nhật ký ghi lại cuộc đời, những gì mình từng trải và góp nhặt từ những vụn vặt xung quanh, nó còn là tri kỷ luôn lắng nghe những tâm sự chất chứa, những nỗi niềm đang mang để khi xem lại còn thấy bản thân mình vẫn yêu mình và được ôm lấy bởi những người thân thương. Và những ký ức của tuổi xuân ấy được cô phác hoạ kỹ càng qua từng nét vẽ mềm mại, thể hiện những khát khao mãnh liệt của một kẻ mộng mơ. Chính vì thế, khi những quyển sách được lên kệ, cô luôn chạm đến trọn vẹn trái tim người đọc và cho họ biết thế nào là mộng mơ.


Trong lời mở đầu của “Nơi chúng ta thuộc về" có câu “Một tuổi thơ lạc lõng của đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đổ vỡ. Một thanh xuân ngông cuồng mập mờ giá trị của bản thân mình » Những ngày rơi vào chông chênh đó, chị đã làm gì để tự chữa lành bản thân?

Tôi nghĩ bạn cũng như tôi, đã có những phút giây vui sướng hay hoảng loạn, chúng ta tự hỏi mình đang làm điều gì. Nhiều lần chúng ta tự hỏi mình sống vì điều gì. Hay một buổi chiều nào đó, thảnh thơi, bạn ngồi nhìn về phía đường trời, nhìn lại những ngày tháng khó khăn đã bước qua và tự hỏi mình đã làm gì để vượt qua những ngày tháng ấy ?

Tôi nhìn tấm ảnh quăng góc màu vàng nhạt, nhìn bó hoa cẩm tú cầu tím tinh khôi tôi mua ở hàng hoa trong trạm tàu điện lúc chuyển tàu, nhìn chiếc hộp đựng thức ăn hơn chục năm rồi tôi còn giữ, nhìn tất cả những vật dụng ít ỏi còn theo tôi đến tận những ngày này. Sự hiện diện của chúng quả là một điều kỳ lạ. Ký ức yêu thương của một cuộc đời, rốt cuộc là điều gì, nếu không phải là từ những điều nhỏ nhặt như thế. Tiếng chim ríu rít bên ngoài căn gác mái, tiếng thở ấm áp và đều đặn vùi vào nhau sau một hành trình dài, tiếng gió thổi lao xao trên đỉnh đồi, hay tiếng dòng sông ì ầm chảy suốt đêm trong lòng thành phố. Tình yêu của cuộc đời, rốt cuộc là điều gì nếu không phải là những giây phút hết mình, những nụ hôn say mê, những cái nắm tay siết vai, ôm chặt. Cuộc đời rốt cuộc là gì nếu không phải là sợi dây nối từ kỷ niệm hạnh phúc này đến khoảng khắc hạnh phúc kia. Chúng ta sẽ tự nuôi mình bằng gì nếu không có những ký ức yêu thương và ước ao hạnh phúc.

Những ngày khó khăn, tôi gìn giữ những điều nhỏ nhặt như những phút giây, những ánh mắt, những nụ cười, những vật dụng kỷ niệm để chữa lành những vết thương lớn trong mình. Tự nghiệm ra rằng sự khác biệt giữa một cuộc đời muộn phiền và một cuộc đời hạnh phúc là lòng biết ơn. Lòng biết ơn biến những điều bất ý thành những điều bình thường, biến những điều bình thường thành những điều kỳ diệu. Biến những vết thương trở nên liền da khép miệng. Biến những ngày vất vả trở nên bình yên. Biến những con đường xa lạ thành nơi chúng ta thuộc về.


Những từng trải của chị đã giúp chị những gì khi bắt đầu chắp bút và hoàn thành “liều thuốc chữa lành" mang tên “Nơi chúng ta thuộc về"?

Bạn bè thân thiết hay hỏi sao lần này sách không sặc sỡ màu sắc hay dày đặc thiết kế như những cuốn trước ? bạn biết không, không hiểu sao, thiết kế cuốn sách đã hình thành trong đầu tôi từ ngay cả khi tôi chưa có ý định bắt tay vào làm. Tựa đề « Nơi chúng ta thuộc về » tôi đã chia sẻ với bạn bè từ cách đây 5 năm trước cả khi tôi đặt bút xuống viết những dòng đầu tiên. Từ nội dung, tranh vẽ hay thiết kế, tất cả đều tự nhiên bắt đầu, tự nhiên thành hình và tự nhiên trở thành một khối. Nên khi bạn hỏi tôi những trải nghiệm nào đã giúp tôi viết nên cuốn sách này, tôi bỗng không biết bắt đầu từ đâu.

Từ chuyến đi Srilanka một mùa hè nào đó, mà nửa đêm, tiếng sóng tiếng gió đập tời bời trên khung cửa, tôi giật mình tỉnh dậy, hoảng hốt không biết mình đang ở đâu ở đâu, phải mất năm phút sau tôi mới nhận ra mình đã rời bỏ thành phố trước đó ngay khi vừa đặt chân đến và rồi lái xe hơn sáu tiếng để đến thị trấn này. Hay tôi nên bắt đầu bẳng chuyến bay đáp xuống phi trường Charles de Gaulles cách đây bảy năm, nhìn bầu trời lờ mờ xám, mà biết rõ rằng mình không có một cánh cửa nào, một con người nào hay điều gì chờ mình trước mặt. Hay tôi kể cho bạn nghe khi tôi đứng trên đỉnh của ngọn thác Skogafoss, áng hoàng hôn rực trên những dãy núi lửa tuyết trắng trời, phủ một màu lấp lánh những bình nguyên xanh rì uốn lượn giữa những dòng sông băng. Có lẽ, cũng như cuốn sách, những chặng đường tôi đã qua, những con người tôi đã gặp, những mảnh tình dang dở tha thiết mà tôi đã để lại đâu đó dọc trên những chuyến hành trình của mình, đã giúp tôi viết nên cuốn sách này. Hoặc có lẽ là túi bánh khoai mì lá dứa mà cậu bé tôi chỉ quen ít lâu, chạy xe từ đầu này qua đầu kia của Sài Gòn, để dúi vào tay tôi mà bảo « Chị ăn đi, mẹ em làm ngon lắm! »

Làm thế nào để tha thứ cho những gì làm tổn thương ta?

Để tha thứ cho những gì đã làm tổn thương chúng ta là một điều thực sự khó khăn. Như việc tìm ra nơi chúng ta thuộc về không phải là một đích đến mà là một hành trình. Để đến được điểm cuối cùng, nơi tâm hồn chúng ta an yên tĩnh lặng, chúng ta phải đi qua nhiều chiều kích cuả cuộc sống : như tình yêu, như tình thương và cuối cùng là sự tha thứ.

Trên những chặng đường ấy không chỉ có niềm vui, có sự say mê hay niềm hạnh phúc mà còn có không ít những đổ vỡ đớn đau, những vết thương tình yêu không khép miệng. Cùng với nó, chúng ta sẽ chết lặng và hồi sinh rất nhiều lần. Mỗi lần là đi qua đủ mọi cảm xúc buồn vui, mong ngóng, chờ đợi, lưu luyến, nhớ thương, tuyệt vọng, níu giữ, tha thứ và buông bỏ. Mỗi lần như thế, chúng ta lại nhận ra một phần bản chất của mình. Cho đến khi chúng ta nhận ra, có những điều lớn lao hơn cả một tình yêu, đó là một tình thương. Là nơi cuối cùng, chúng ta lựa chọn thứ tha, không phải vì người kia, mà bởi vì chúng ta xứng đáng được thanh thản và hạnh phúc. Chúng ta chỉ có thể tha thứ được cho người khác khi đã tự tha thứ được cho chính mình.

Hành trình ấy là một chuyến tàu. Nó giản dị đưa chúng ta đi từ bến tàu này đến bến tàu kia, gặp được lần lượt người này đến người kia. Cho đến lúc chúng ta hiểu được bản thân, quyết định dừng chân bước xuống nơi nào đó phù hợp nhất với lòng mình. An Ni Bảo Bối, một nhà văn Trung Quốc đương thời, trong lời tựa cuốn sách nổi tiếng nhất của mình có viết «Xét đến cùng thứ chúng ta luôn luôn tìm kiếm là chốn về của tâm hồn chứ không phải chỗ đứng trong một thời đại phàm tục ».


Đối với chị, nơi nào là nơi chị thuộc về?

Tôi viết về nơi chúng ta thuộc về. Vậy thì nơi đó là nơi đâu ? Có phải là những thành phố rực rỡ đèn màu của những New York, Paris, Sài Gòn chưa bao giờ ngủ, đêm đấy chúng ta say trên tầng thượng của toà tháp chọc trời. Có phải là buổi chiều hoang hoải đi dọc triền đồi, là người đặt vào bàn tay người một nhành hoa dại. Có phải là nơi bạn nhủ trái tim sẽ ở lại thế rồi cuối cùng bạn lại ra đi. Thật ra Nơi chúng ta thuộc về không phải là một Nơi, một chốn. Đêm say ấy, bạn choàng tỉnh giữa bao người và tự hỏi ta đang ở đâu. Giữa những cuộc vui rộn ràng, bóng người tiếng nói vây quanh, bạn thấy như xung quanh không còn ai nữa. Bạn tự hỏi bạn có thuộc về nơi này ?

Có lần tôi đọc một cuốn sách viết về miền sông nước miền Tây, có người phụ nữ sống trông căn nhà lợp bằng những hàng đước hàng trăm năm tuổi, bước đi trên sàn như bước trên những năm tháng lịch sử, bao cuộc đời của ông cha mình. Nơi góc nhà có một vết tròn màu ố đen, nơi chồng bà trước đây hay đặt bếp than, bà chạm vào rồi bật khóc.

Bạn tôi bay nửa vòng trái đất trở về, trước khi tôi lại lên một chuyến bay nhiều giờ khác đi đến một vùng đất xa xôi, trong hai tiếng đồng hồ ngắn ngủi kịp gặp nhau, ôm nhau, bạn tôi kể anh sẽ bắt đầu một dự án lớn của cuộc đời, vì một nụ cười chỉ vài giây của một phụ nữ nghèo khó chưa từng mua được cho con mình một chiếc bánh sinh nhật trong đời, niềm vui duy nhất của bà là những tấm giấy khen của con mình mà bà không ngừng vân vê trong đôi bàn tay chai sạm.

Tôi trở về xăm trên tay dòng chữ «Biết ơn ». Một đêm nào đấy trên chuyến bus từ Reykjavík, con đường xa lộ nghút ngàn, phía đường trời ánh tím ửng hồng, hai bên là những triền núi lửa trắng xoá, bài hát của Ágeir trong In the Silence vang vang, tôi đặt tay phải trên dòng chữ « Biết ơn» trên tay trái mình và thấy tim mình hạnh phúc. Cũng là những chuyến đi, nhưng khác những chuyến đi tuổi trẻ, đã từ lâu, tôi biết nơi trái tim tôi thuộc về.


Chị mong muốn đem lại điều gì cho độc giả từ “Nơi chúng ta thuộc về"?

Con đường đi tìm nơi chúng ta thuộc về, tôi đã đi và vẫn đang đi. Viết Nơi chúng ta thuộc về, vì tôi biết tôi cần phải viết ra, đầu tiên là cho chính mình. Thế nên, những gì được viết trong sách không phải là những bài học kinh nghiệm, không phải lời khuyên hay kim chỉ nan cho bất cứ ai hay bất cứ sự việc gì. Nó chỉ là những ghi chép vụn vặt của tôi trong dòng chảy cuồn cuộn của thời gian. Mong muốn lớn nhất của tôi đó là, biết đâu bạn cũng đang đi trên con đường này. Biết đâu trong những gì tôi sắp kể ra đây, bạn đã từng hoặc đang chuẩn bị trải qua những gì gần giống như vậy. Biết đâu ở một khoảng khắc nào đó chúng ta đã rất giống nhau. Trong khoảng trắng giữa hai dòng chữ, biết đâu ta hiểu nhau. Trong giây phút ngắn ngủi ấy, bạn có tôi và tôi có bạn. Và mong muốn lớn nhất của tôi đó là bạn biết bạn không chỉ có một mình.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị, chúc chị luôn vui và quyển sách Nơi chúng ta thuộc về khi ra mắt sẽ thành công tốt đẹp!

“Nơi chúng ta thuộc về" sẽ chính thức ra mắt độc giả và lên kệ tại các nhà sách vào 31/03/2023.

Khôi Khôi 
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595