ĐH Nguyễn Tất Thành kết hợp với tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo khoa học về phát triển du lịch nông nghiệp

TTGĐ - Sáng 22/2/2023, tại Bến Tre diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề: “Du lịch nông nghiệp: Hướng tới sự phát triển bền vững giữa kinh tế, văn hoá và môi trường tại tỉnh Bến Tre”. Chương trình do UBND tỉnh Bến Tre, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phối hợp tổ chức.

Đại diện Tỉnh Bến Tre cũng như phía trường Đại học Nguyễn Tất Thành lần lượt chia sẻ đóng góp cho buổi hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bến Tre, Sở Du lịch TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đại diện các nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan báo đài…

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhận định, Bến Tre là tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn. Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều năm qua hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn của Bến Tre đã được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình và sản phẩm, dịch vụ du lịch như: Du lịch tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái, du lịch trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân; tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với cây dừa, tham quan và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm và đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngành du lịch chủ trì, phối hợp cùng với các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp, nhằm góp phần thúc đẩy ngành du lịch tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững, sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Đồng thời, tỉnh luôn quan tâm, vận động, khuyến khích và tạo điều kiện nhằm hỗ trợ cho người dân phát triển mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp. Có nhiều tổ chức, cá nhân, các chuyên gia quan tâm nghiên cứu thực hiện các đề tài, các dự án khoa học công nghệ về xây dựng mô hình về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đã góp phần rất lớn trong việc hình thành và làm mới sản phẩm du lịch cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Bé Mười cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế.

Đại diện ban tổ chức cho biết sẽ ưu tiên cho việc khuyến khích nông dân làm du lịch trong thời gian tới tại Bến Tre.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, trong thời gian qua, hoạt động du lịch tại khu vực nông nghiệp đã được khai thác tại nhiều địa phương, tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phong phú tại nhiều vùng quê từ Bắc tới Nam. Nhu cầu và xu hướng khách du lịch nội địa cũng như quốc tế đến các vùng nông thôn, nông nghiệp ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp.

Theo đó, PGS.TS. Trần Thị Hồng mong muốn, Hội thảo sẽ đưa ra các giải pháp hợp tác, xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo nhằm thu hút khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. nhất định.

Sự kiện thu hút nhiều chuyên gia, khách mời cùng đóng góp ý kiến để giúp Bến Tre phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch.

Tại Hội thảo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các Trường Đại học, các đơn vị kinh doanh du lịch đã trao đổi, thảo luận đưa ra nhiều ý kiến về các vấn đề như: Giải pháp quy hoạch phát triển nông nghiệp; cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên cho loại hình du lịch nông nghiệp; quy hoạch đào tạo, liên kết đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực cho mô hình du lịch nông nghiệp; các giải pháp khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp; sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp; công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Khu vực nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, gắn với bản sắc văn hóa và tập quán canh tác lâu đời Việt Nam và là yếu tố đầu vào quan trọng hình thành nên điểm đến và sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Trong thời gian qua, hoạt động du lịch tại khu vực nông nghiệp đã được khai thác tại nhiều địa phương, tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phong phú tại nhiều vùng quê từ Bắc tới Nam. Nhu cầu và xu hướng khách du lịch nội địa cũng như quốc tế đến các vùng nông thôn, nông nghiệp ngày càng gia tăng.
 
Tại sự kiện, các chuyên gia và khách mời lần lượt chia sẻ những thử thách mà ngành du lịch Bến Tre đang gặp phải cũng như hướng giải quyết trong thời gian tới.

Hội thảo sẽ là diễn đàn để các đại biểu, chuyên gia, học giả, lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà quản lý, hộ nông dân chia sẻ, trao đổi, thảo luận về các định hướng chính sách, giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp phát triển bền vững và phát triển hoạt động du lịch – ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng nhằm tạo động lực lan toả, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở, lý luận thực tiễn cho tỉnh Bến Tre, các cơ quan ban ngành trong việc giám sát và quyết định các chính sách phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng.

Nguyên Khôi 
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595