Việt Nam - sự hồi sinh sau đại dịch

TTGĐ - Sự lạc quan về sức sống, sự phục hồi và triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam không phải là cảm tính và có tính tuyên truyền, mà dựa trên cơ sở thực tế tin cậy.


Theo Báo cáo hàng năm "Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN + 3 năm 2022" công bố ngày 12/4/2022, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) dự báo: Năm 2022, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% GDP và lạm phát 3,4% (còn năm 2023 các con số sẽ tương ứng là 7% và 3%).

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2022 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 6/4/2022 dự báo, trong năm 2022 kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% và đạt mức 6,7% trong năm 2023; xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8-10%; nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu về tư liệu sản xuất và đầu vào cho công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên, và tiêu dùng trong nước phục hồi trở lại; thặng dư tài khoản vãng lai ở mức 1,5% GDP (và 2,0% vào năm 2023); tăng trưởng công nghiệp khoảng 9,5% ​; sản lượng nông nghiệp tăng 3,5%; ngành dịch vụ tăng 5,5%; lạm phát 3,8% (và 4,0% vào năm 2023).

Còn trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4/2022 với chủ đề "Đương đầu bão tố", WB dự báo kinh tế Việt Nam đang phục hồi và sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022 (giảm so với mức 6,5% theo dự báo WB đã đưa ra trong tháng 10/2021). Thậm chí, GDP có thể chỉ tăng 4% trong kịch bản xấu và phục hồi lại mức tăng 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024.

Trước đó, ngày 28/3/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023. Fitch Ratings cũng công bố xếp hạng mặc định của nhà phát hành ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức "BB" với Triển vọng Tích cực.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% trong năm 2022 và 7,2% vào năm 2023. Lạm phát được dự báo tăng lên mức 3,9% vào cuối năm 2022.

Nhiều ước tính lạc quan hơn cho rằng GDP Việt Nam sẽ tăng mạnh từ mức 2,9% năm 2021 lên 7-7,5% vào năm 2022; Thậm chí, Capital Economics (công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế có trụ sở ở London) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi và GDP sẽ tăng trưởng 8,8% trong năm 2022, cao hơn so với mục tiêu kế hoạch chỉ là 6,0-6,5% và so với mức 2,58% của năm 2021.

Sự lạc quan về sức sống, sự phục hồi và triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam không phải là cảm tính và có tính tuyên truyền, mà dựa trên cơ sở thực tế tin cậy:

Trước hết, Việt Nam đang dần quay trở lại với cuộc sống bình thường nhờ là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vacxin cao nhất thế giới, cải thiện 28 bậc lên vị trí thứ 90 trong bảng "Chỉ số phục hồi Covid-19" của Nikkei công bố trong tháng 1/2022; từ đó sớm bình thường hóa các hoạt động kinh tế-xã hội, kể cả du lịch.

Đồng thời, các thành quả đạt được trong thập kỷ trước và các tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn được duy trì; lạm phát được kiểm soát, nợ công ổn định và dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục…tất cả tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài, nâng mức tăng trưởng GDP quý I/2022 lên 5,03% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn nữa, Việt Nam đang nỗ lực thích ứng và khai thác các cơ hội xuất khẩu từ các FTA thế hệ mới để mở rộng thương mại và hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy, đạt được mức tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quí I/2022 là 176 tỷ USD, tăng 14,4%; trong đó, xuất khẩu tăng 12,9%, riêng các nhóm hàng nông sản tăng khoảng 18-19%; cá biệt, cà phê, gạo, thủy sản tăng từ 38% đến gần 50%; tiếp tục xuất siêu.

Cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam có thêm niềm tin đầu tư, chủ động và linh hoạt hơn trong nắm bắt, đa dạng hóa, nâng cao sức cạnh tranh và uy tín, đáp ứng nhanh và tốt hơn các nhu cầu biến đổi của thị trường, tăng cường tuyển dụng và đào tạo kỹ năng mới cho lao động, tiếp tục nhận thêm nhiều đơn hàng (tiêu biểu là ngành dệt may). Trong quý I/2022 số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, Nhóm doanh nghiệp số liên tục phát triển cả về lượng và chất; trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%.

Dòng vốn FDI chảy vào và thực hiện vẫn duy trì trạng thái khả quan, với nhiều dự án FDI mới công nghệ cao hoặc các dự án cũ tiếp tục mở rộng đầu tư; riêng quý I/2022, vốn FDI thực hiện đạt 4,4 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ 4 năm qua.

Sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp còn được củng cố nhờ môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng đươc cải thiện. không chỉ nhờ thành tựu chống dịch, sớm bình thường hóa hoạt động kinh tế, mà còn vì Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giớitheo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021). Đây cũng là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free), tăng 15 bậc so với năm trước. Năm 2021, Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) – cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, xếp thứ 44, tức nằm trong khoảng tin cậy (từ khoảng 42 đến 47) của thứ hạng này.

Đặc biệt, động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 còn được sự cộng hưởng từ các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng (giảm, giãn nộp thuế, tiền thuê đất, phí trước bạ, lãi suất và thời hạn trả nợ), mở rộng đầu tư công, tăng cường cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi số. Quốc hội đã phê chuẩn gói giải pháp tài khóa và tiền tệ lớn với quy mô 347000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD) để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) trong năm 2022 và 2023. Các tổ chức tín dụng tiếp tục ​​giảm lãi suất cho vay 0,5-1% và các biện pháp hỗ trợ tín dụng đến hết năm 2023, với tổng mức hỗ trợ lãi suất lên đến 40 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2022 tăng 8,9%.

Lạc quan, tin tưởng và quyết tâm cao, nhưng thận trọng và quyết liệt trong chỉ đạo, thận trọng với tình hình những tháng tới có thể tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và nhiều diễn biến không dự báo được, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi, dự báo sát tình hình, kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn, chủ động khai thác các cơ hội, nhằm triển khai có hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 vừa được ban hành theo Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022.

Trên thực tế, Việt Nam vẫn cần chú ý nhận diện và tháo gỡ các trở ngại, như: Các diễn biến phức tạp và thiếu thống nhất trong chính sách kiểm soát dịch Covid-19; nhận diện đầy đủ và khắc phục tình trạng tình trạng gia tăng bất bình đẳng tiền tệ và phi tiền tệ do hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19; giá dầu, giá chi phí vật liệu xây dựng và lạm phát thế giới tăng cao, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu gắn với cú sốc tỷ giá thương mại và việc các nước phát triển tăng lãi suất làm thay đổi dòng vốn đầu tư quốc tế, khiến chi phí vốn tăng, nhập khẩu đắt hơn và gia tăng áp lực lạm phát, nợ xấu trong nước; coi trọng kiểm soát vốn vay bị sử dụng sai mục đích, tránh tập trung vào các lĩnh vực rủi ro, như cổ phiếu hoặc bất động sản…

Hơn nữa, theo WB, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao sẽ phụ thuộc vào năng lực thể chế và khả năng chuyển đổi nhanh sang mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo, tập trung vào xây dựng nền kinh tế chuyển đổi số, xanh hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc từ bên ngoài; tục tục cải thiện và nâng cao vị thể của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu, tạo thêm động lực cho việc tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Đồng thời, phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, mặc dù tỷ lệ nghèo được kỳ vọng sẽ giảm trong năm 2022...

Thiên Long 
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595