Cần có khung chính sách sát thực và nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc

TTGĐ - Đề xuất giải pháp minh bạch nguồn gốc nông sản, nâng tầm giá trị thương hiệu Việt, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam khuyến nghị cần có khung chính sách sát thực và nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc.

Với kinh nghiệm chèo lái doanh nghiệp hơn 20 năm làm nông nghiệp và giao thương với người Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, chủ động minh bạch nguồn gốc nông sản đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo cơ sở dữ liệu để lưu trữ và chọn lựa phương án sản xuất kinh doanh cho các kỳ tiếp theo; giúp khách hàng, nhà quản lý, các bên liên quan có cơ sở giám sát bất kỳ khi nào họ cần.

Công nghệ số - chuyển đổi số giúp ghi chép đa phương tiện, lưu trữ không giới hạn, kết nối không biên giới… qua đó, tạo điều kiện cho việc TXNG nhanh hơn, thuận tiện hơn. Chuyển đổi số giúp TXNG dễ dàng, minh bạch, hỗ trợ kịp thời cho các chủ cơ sở trong chuỗi cung ứng, tránh rủi ro.

Dẫn lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan “Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu”, bà Thực cho rằng, muốn bảo vệ thương hiệu, tránh bị giả xuất xứ, chủ cơ sở sản xuất không thể lơ là việc ứng dụng công nghệ TXNG. Việc ứng dụng này sẽ giúp bảo vệ thương hiệu, tránh bị giả mạo khi ứng dụng công nghệ số, tem chống giả hoặc hiển thị cảnh báo khi quét mã QR giả mạo.


Tuy nhiên, theo bà Thực, các cơ quan quản lý Nhà nước hiện chưa có các chế tài nghiêm khắc xử lý sai phạm khi TXNG.

Hoạt động quản lý lưu thông hàng hóa chưa nghiêm, còn để vi phạm giả mạo mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói khi xuất khẩu nông sản. Nhận thức và hiểu biết của cán bộ thực thi nhiệm vụ quản lý còn hạn chế.

Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp chưa biết cách bảo vệ sản phẩm, uy tín của mình. Còn nhiều tình trạng ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo cách chống đối, giả tạo, xảy ra nhiều trường hợp vi phạm giả mạo hồ sơ giấy tờ sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn, mã số vùng trồng.

Bà Thực nhấn mạnh tình trạng loạn phần mềm TXNG, loạn app diễn ra khá phổ biến. Các tiêu chí qui định về TXNG còn lạc hậu so với thị trường thế giới, thiếu chủ động đổi mới nên liên tục bị bất ngờ với các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Đây chính là hậu quả của việc “mù mờ” thông tin, gây mất niềm tin của người tiêu dùng vào chính hệ thống quản lý, giám sát, hệ thống phân phối của chuỗi nông sản. Từ đó, thị trường bất ổn, dễ bị tổn thương khi có tin đồn thất thiệt (cả người sản xuất và người tiêu dùng đều thiệt hại).

Đề xuất giải pháp TXNG nhằm nâng tầm nông sản Việt, bà Nguyễn Thị Thành Thực khuyến nghị Nhà nước cần có khung chính sách sát thực, cụ thể, kiểm soát nghiêm ngặt việc tuân thủ về qui định TXNG.

Người dân, cán bộ quản lý cần nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo qui định về TXNG. Cần có những công cụ số phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phẩm ngành hàng để người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Minh Ngọc
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595