“Người lái thuyền ẩn danh” - Đại sứ Nhân ái Hiền Thương, tấm gương của nghị lực phi thường

TTGĐ - Trong mỗi chúng ta, ai cũng từng có được một khoảng trời thanh xuân tươi trẻ. Đó là những tháng ngày ấm áp và hồn nhiên, như thể đóa hoa đang chớm nở bên khung cửa sổ. Nhưng phải chăng, hạnh phúc KHÔNG phải là điều mà ai cũng hiển nhiên có được trong những tháng ngày tươi đẹp của buổi sớm mai? Câu trả lời có lẽ sẽ khiến nhiều người phải chạnh lòng, bởi sự phũ phàng của nó. Thanh xuân chính là tuổi trẻ, là những hồi ức khó quên trong mỗi con người chúng ta, bởi những dại khờ và tiếc nuối. Câu chuyện sẽ kể về nữ doanh nhân tài sắc đã hy sinh những tháng ngày tươi đẹp nhất của đời người để xây dựng thành công cho các con sau này. Người phụ nữ ấy là ai?


Sinh ra trong một gia đình truyền thống, có cha là làm trong ban tổ chức tỉnh ủy, mẹ là chủ tịch của hội phụ nữ, lại là con gái út trong nhà, nên Hiền Thương nhận được đầy đủ sự giáo dục và tình yêu thương của gia đình. Cô bé Hiền Thương ước mơ lớn lên sẽ giống như cha, như các cô chú bộ đội trở thành một người chiến sĩ, đem hết sức mình ra cống hiến phục vụ Tổ quốc.

Người tàn, chí không tàn

Đáng tiếc thay, một tai nạn đã xảy đến với Hiền Thương lúc cô 8 tuổi, trong một lần dạo chơi trong vườn, Hiền Thương đã bị rắn độc cắn. Mạng sống của Hiền Thương khi đó như “chỉ mành treo chuông”, bất cứ lúc nào cũng có thể rơi rụng. Nhưng nhờ các y bác sĩ đã cố hết sức giành giật lại mạng sống cho Hiền Thương, cuối cùng Hiền Thương cũng đã tỉnh lại như một kỳ tích trong sự vui mừng ngập tràn nước mắt của gia đình và y bác sĩ.

Bằng ý chí và nghị lực phi thường, dù nằm viện, Hiền Thương vẫn tự trang bị kiến thức cho mình “người tàn chí không tàn”. Với quyết tâm và nghị lực, Hiền Thương cũng đem về một tấm bằng trung cấp và trở thành giáo viên mầm non với ước mơ “ươm mầm cho Tổ quốc”, dạy dỗ ra những thế hệ trẻ phục vụ Tổ quốc mai sau, đây cũng là một cống hiến của Hiền Thương đối với đất nước yêu thương.



Những tháng ngày “cơm chan nước mắt”

Những tưởng cuộc sống yên bình sẽ luôn còn mãi. Nhưng cuộc hôn nhân năm 19 tuổi đã khiến cuộc đời của Hiền Thương phải bước sang một trang mới. Theo phong tục miền Bắc, con gái 19 tuổi vẫn chưa lập gia đình được xem là “quá lứa lỡ thì”, gia đình lo âu hối thúc Hiền Thương nhiều lần. Để gia đình không lo lắng, cha mẹ già yên lòng, Hiền Thương chấp nhận lấy chồng với người đàn ông chỉ mới quen biết 20 ngày, chỉ đơn giản vì nhà chồng chỉ cách nhà Hiền Thương hơn hai cây số! Cô nghĩ lấy chồng gần thì có thể chạy qua chạy lại thăm nom cha mẹ già làm tròn chữ hiếu. Hiền Thương nào biết mình đang bước chân vào chốn ngục tù của trần gian…

Ngày đầu về nhà chồng, chồng Hiền Thương bắt cô nghỉ dạy để ở nhà chăm sóc cho cha mẹ chồng, làm bổn phận dâu thảo vợ hiền, bởi vì cha chồng bị mù hai mắt, mẹ chồng cũng bị mù một bên, mà các anh chị em chồng cũng cưới vợ lấy chồng ra ở riêng hết. Vốn sinh ra trong gia đình gia giáo, được cha mẹ bồi dưỡng cho những phẩm chất truyền thống của người con gái Việt Nam về “Tam tòng, tứ đức”, cũng như “ Công, Dung, Ngôn, Hạnh”, Hiền Thương lần nữa chấp nhận rời bỏ ước mơ dạy trẻ của mình để làm tròn bổn phận dâu con.



Đắng cay nhất là khi Hiền Thương mang thai cũng là lúc chị chồng sinh đôi hai bé, mẹ chồng thương con gái nên sang chăm sóc, để mặc Hiền Thương với công việc bộn bề và cái bụng ngày càng nặng nề. Mỗi ngày sáng tinh mơ, Hiền Thương phải thức dậy sớm giặt giũ nhà cửa, nấu cơm nước cho gia đình, chăm sóc cho người cha chồng bị mù, lại đi cắt rau nấu cháo cho heo ăn, dẫn bò đi ăn cỏ rồi tối về lại đang thồ đất, lấp ao, đóng gạch đêm…

Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, cha Hiền Thương biết chuyện rất buồn, thương con gái bụng bầu ngày càng to mà phải vất vả. Dù bụng to vượt mặt, Hiền Thương vẫn vất vả với bảy sào ruộng, một cặp bò, một đàn heo nái, lại thồ đất lấp ao làm gạch…, vẫn làm việc một mình! Chính vì lo lắng cho con gái, lại thêm di chứng để lại thời chiến tranh, cha Hiền Thương ngã bệnh nằm dài. Điều cay đắng nhất là dù biết cha bị bệnh, Hiền Thương vẫn không thể về thăm cha già đang bệnh được, vì chồng Hiền Thương cấm đoán với lí do “ con gái gả đi là con người ta”. Cái khốc liệt của phận làm dâu, cái định kiến thời phong kiến “lấy chồng thì phải theo chồng” khiến Hiền Thương phải ngậm đắng nuốt cay, cố sống trong những tháng ngày “cơm chan nước mắt”.

Đường tuy không quá xa nhưng khó đi, lại bụng cao vượt mặt, đạp được xe về đến nhà cha mẹ, Hiền Thương mồ hôi nhuễ nhại, mệt đến mức muốn ngất lịm đi. Cứ nghĩ sau bao nhiêu mệt mỏi, có thể gặp được cha mẹ, niềm vui đoàn tụ không gì bằng thì Hiền Thương đối mặt với sự trách giận của cha mình.

Trước mặt cha mẹ, Hiền Thương vẫn cố nén nước mắt vào trong, mỉm cười trấn an để cha mẹ yên lòng mà không sinh bệnh thêm, cô luôn miệng cho rằng mình rất hạnh phúc, cha mẹ chồng và chồng luôn đỡ đần giúp đỡ cô, chứ không như cha mẹ nghe đồn.


Nhưng đau đớn nhất là Hiền Thương không biết đó là lần cuối cùng mình được trò chuyện tâm sự cùng cha. Bởi gần một tháng sau, cha Hiền Thương hấp hối, ông cố gắng gượng những hơi thở cuối cùng để chờ Hiền Thương về nắm chặt tay cô nấc nghẹn rồi qua đời trong tiếng khóc nức nở xé ruột xé gan của cô.

Nỗi nhớ cha, sự ân hận và tự trách chỉ vì định kiến làm dâu mà trở nên nhu nhược, trong lòng Hiền Thương có ý muốn phản kháng, muốn bước ra khỏi vũng bùn định kiến nhưng vì lo nghĩ cho tương lai của con, đứa trẻ sinh ra không thể không có cha. Hiền Thương lại tiếp tục với chuỗi ngày cơ cực với công việc hàng ngày và chăm sóc cha chồng mù lòa cho đến ngày sinh con.

Hiền Thương vẫn cam chịu chấp nhận sống trong sự vô tâm của người chồng ham mê cờ bạc, để sống vì con, không dám oán than lấy một lời vì “xấu chàng hổ thiếp”! Tằn tiện tích góp đều lo cho chồng cho con, lại chịu thương chịu khó, một tay Hiền Thương đã tạo dựng sự nghiệp để chồng con được hãnh diện. Người ngoài nhìn vào đều khen ngợi gia đình Hiền Thương, nào ai biết mọi danh tiếng chồng Hiền Thương hưởng hết, còn Hiền Thương là “người lái thuyền ẩn danh”. 22 năm sống với chồng là 22 năm trả nợ cho chồng, tất cả chỉ vì muốn cho hai đứa con có được gia đình trọn vẹn.


Người ta nói “đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”, nhưng một người làm mà một người phá, thì khác nào nhà không có nóc! Con giun xéo lắm cũng quằn, sức chịu đựng cũng đã vượt quá giới hạn! Kết thúc cuộc hôn nhân đầy nước mắt, được sự chấp nhận của hai con, Hiền Thương quyết dẫn hai con ra đi với đôi bàn tay trắng. Ba mẹ con dọn ra túp liều lụp xụp ngoài chợ sinh sống và làm lại từ đầu.

Cực khổ bươn chải giữa chợ đời, nhưng đó lại chính là những tháng ngày bình yên nhất của cô sau ngần ấy năm đau xót. Cô chia sẻ trong nỗi nghẹn ngào:“Ngày ấy, sáng tôi đi ra chợ làm hàng bán, chiều tối ra nhà thờ bán bóng bay. Có những đêm mưa tầm tã, tôi vẫn cố đứng bán thêm chút rồi mới về vì sợ các con không đủ cơm ăn áo mặc. Tuy khó nhọc trăm bề, nhưng tôi rât vui vì các con luôn biết phấn đấu, cố gắng học hành và phụ giúp cho mẹ…”

Khi nước mắt biến thành nụ cười cho cuộc sống vì mọi người

Sau bao năm lam lũ, chịu thương chịu khó buôn gánh bán bưng, cuối cùng thì ông trời cũng đã đền đáp xứng đáng cho người mẹ đơn thân Hiền Thương và các con. Nhờ khôn khéo và biết tính toán, Hiền Thương đã gầy dựng cho mình một cơ sở nuôi yến và kinh doanh nhà nghỉ. Từ việc buôn bán nhỏ đến những hoạt động kinh doanh lớn, cho đến hiện tại, gia đình cô đã sở hữu trong tay những tài sản có giá trị, đủ để tạo dựng cuộc sống hạnh phúc cho các con sau này.

Vì yêu thương trẻ em, nhất là những đứa bé mồ côi, cơ nhỡ, nên nữ doanh nhân tài sắc đã nhận nuôi thêm 6 người con. Và tâm nguyện của cô là sẽ nuôi dạy các em khôn lớn và trở thành người có ích cho xã hội. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, các con tụ họp quây quần bên mẹ Hiền Thương tạo nên niềm hạnh phúc khó tả, mà hầu như bất kỳ gia đình nào cũng mong muốn có được.


Ngoài công việc kinh doanh thành đạt, ít ai biết được nữ doanh nhân Hiền Thương lại chính là mạnh thường quân giấu tên trong các hoạt động thiện nguyện tại phố núi Đắk Lắk. Hiền Thương chưa bao giờ quên ước mơ hoài bão phục vụ Tổ quốc, yêu thương đồng bào của mình, cô luôn cố gắng đóng góp một phần công sức nhỏ của mình vào các hoạt động từ thiện, với hy vọng “dù ít nhưng đậm tình người” đến với các mảnh đời bất hạnh. Nhìn nụ cười hạnh phúc của mọi người, Hiền Thương lại thấy hạnh phúc và vui vẻ.

Cô luôn san sẻ tình yêu thương đến với những mảnh đời kém may mắn hơn mình. Có lẽ vì vậy, mà cô được mời làm Đại sứ Nhân ái Việt Nam vào ngày 08/3/2020 vừa qua.

Hạnh phúc với lời mời cao quý này, nữ doanh nhân tài sắc chia sẻ: “Tôi cũng từng vươn lên từ đôi bàn tay trắng nên dường như tôi thấu hiểu từng nỗi đau mà những mảnh đời cơ nhỡ đang gặp phải. Vì lẽ đó, tôi muốn san sẻ những yêu thương để xoa dịu các tổn thương hiện hữu. Tôi hy vọng mình sẽ lan tỏa được thông điệp này rộng khắp cả nước và toàn thế giới…”

Người phụ nữ tài sắc ấy chính là nữ doanh nhân vươn lên từ phố núi Tây Nguyên: Hiền Thương.

Bức Tường Nghệ Sĩ

Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595