Doanh nghiệp "đương đầu" Covid-19 trong tâm dịch Gò Vấp

TTGĐ - Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại Q. Gò Vấp nói riêng và theo Chỉ thị 15 tại TP.HCM nói chung đã đẩy nhiều doanh nghiệp lâm vào tình thế khó khăn. Tìm ra các giải pháp để có thể ứng phó với dịch Coivd-19 mà vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất và đời sống cho người lao động là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp (DN).


Ông Lê Văn Thịnh, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Long Thịnh chia sẻ với Doanh nhân Sài Gòn: “Chúng tôi chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc, hàng thể thao đi các nước Châu Âu và một vài nước ở châu Á. Khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 1 vào đầu năm 2020, công nhân của công ty không thể trở lại làm việc sau tết Nguyên Đán.

Khi dịch tạm lắng, công ty đã huy động toàn bộ nguồn lực, đảm bảo lượng hàng xuất khẩu như mọi năm. Tuy nhiên, khi hàng vừa chuẩn bị xuất thì dịch bùng phát mạnh ở nhiều nước châu Âu. Hàng không xuất đi được, đối tác không thể thanh toán. Số lượng hàng lớn đó chúng tôi buộc phải lưu kho. Chúng tôi phải chịu thêm khoản chi phí khá lớn để vận hành hệ thống bảo quản hàng trong kho xưởng. Từ đầu năm 2021 đến nay, hàng tồn vẫn chưa xuất đi, đơn hàng mới thì rất ít khiến DN chúng tôi vô cùng khó khăn”.

Theo thông tin từ Bộ công thương, sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ và châu Âu trong bối cảnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã tác động rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, khi Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 45% và 18% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may. Dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ cả phía cung và phía cầu, dệt may là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày.

Các DN vừa và nhỏ tại Gò Vấp cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Nguyễn Đức Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Auto chia sẻ: "Từ khi dịch bệnh diễn ra, doanh thu của công ty giảm hơn một nửa so với trước kia".

Ông Nguyễn Văn Thiệu - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q. Gò Vấp cho biết, trong tuần vừa qua, khi Gò Vấp tuân thủ Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, tất cả 320 hội viên đều giữ được trạng thái sản xuất, kinh doanh an toàn ngay trong tâm dịch. Sự xáo trộn chỉ xảy ra trong hai ngày đầu. Tâm lý người lao động lo nhất là sắp xếp chuyện gia đình, con cái. Người lao động mang tâm lý, sáng đến công ty, chiều không được về nhà mà phải cách ly tại chỗ. Chủ doanh nghiệp vừa phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, vừa phải lên phương án phòng chống dịch.


Công ty Quý Dần, một doanh nghiệp thương mại cung cấp thiết bị ngành điện, thường đàm phán, giao dịch trực tiếp với khách hàng nên khi lệnh giãn cách được áp dụng đã gặp ảnh hưởng ngay lập tức. Tuy nhiên, ý thức được tính chất phức tạp của đợt dịch này nên Ban giám đốc công ty đã cho người lao động ở các bộ phận như: kế toán, bán hàng, nhân viên hành chính tạm nghỉ, với mức hỗ trợ 100.000đ/người/ngày cùng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Việc đàm phán với khách hàng được công ty chuyển sang hình thức trực tuyến. “Chúng tôi nhận thấy ngay doanh thu giảm nhưng lúc này, chúng tôi xác định hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt, tuân thủ quy định giãn cách để cơ quan chức năng thuận lợi khống chế dịch”- ông Lê Trọng Nam - Phó Giám đốc Công ty Quý Dần khẳng định.

Hưng Thịnh Auto thì cho đa số nhân viên nghỉ nhưng vẫn hỗ trợ mức lương cơ bản. "Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch để thích nghi với tình hình dịch bệnh như hỗ trợ giao - nhận xe tại nhà, các dịch vụ khử khuẩn, chăm sóc xe tận nhà..." - ông Nguyễn Đức Hoàng nói.

Đối với các doanh nghiệp thương mại như Quý Dần, Hưng Thịnh Auto có thể tạm thời thu hẹp hoạt động, giảm doanh thu trong thời gian ngắn nhưng với doanh nghiệp sản xuất thì khó áp dụng vì liên quan đến đơn hàng xuất khẩu và thu nhập của hàng trăm lao động.

“Hai ngày đầu rất xáo trộn. Bộ phận công nhân, người thì nghỉ, người thì vào ca trễ do gặp khó khăn tại các chốt phòng dịch. Ban lãnh đạo công ty chỉ đạo các bộ phận liên quan tập trung xử lý gấp các giấy tờ chứng nhận nơi làm việc, nơi cư trú cho tất cả lao động để họ qua các chốt phòng dịch”, ông Nguyễn Văn Quảng - Đại diện Công ty May Phương Đông cho biết.

Tuy nhiên do đã có kinh nghiệm ứng phó với các tình huống dịch bệnh nên tình hình sản xuất của may Phương Đông nhanh chóng ổn định ngay trong tâm dịch.


Do đặc thù doanh nghiệp có nhiều lao động nên khi Thành phố ra văn bản thực hiện phòng dịch theo Chỉ thị 16 thì Ban lãnh đạo Công ty May Phương Đông ngay lập tức tổ chức lại sản xuất, để đảm bảo giãn cách phải chia 3 ca sản xuất cho gần 500 công nhân. Đồng thời, May Phương Đông nhanh chóng thu gọn tất cả kho bãi, dọn dẹp hội trường để lập các khu nhà tạm chuẩn bị phương án cho công nhân vừa sản xuất, vừa lưu trú tại nhà máy.

“Chúng tôi chuẩn bị ngay bộ giường, chiếu, chăn màn cho gần 500 công nhân để dự phòng cho tình huống xấu nhất là vừa cách ly vừa sản xuất. Đây là chi phí đội lên nhưng phải chủ động đầu tư. May mắn đến nay chưa có lao động nào của May Phương Đông liên quan đến các ca nhiễm. Do vậy lúc này chúng tôi tập trung sản xuất để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu”.


Ông Quảng tự tin chia sẻ và cho biết với các phương án phòng dịch chặt chẽ nên ảnh hưởng trong đợt dịch này với May Phương Đông là không đáng kể. Do vậy, DN chưa cần đến các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố. Tuy nhiên, khó khăn bây giờ là việc tuyển dụng công nhân. Đơn hàng xuất khẩu có xu hưởng khởi sắc nên doanh nghiệp cần bổ sung khoảng 100 công nhân nhưng lúc này rất khó tìm lao động vì người dân lo sợ dịch bệnh.

Trả lời phóng viên về cách thay đổi cơ cấu của DN trước diễn biến của dịch Covid-19, ông Lê Văn Thịnh cho biết: “Khi dịch xảy ra, ngoài việc thay đổi cơ cấu và loại hình kinh doanh, chúng tôi cũng chú trọng cách thức tổ chức nhân sự cho DN. Cụ thể, chúng tôi đã chia ca để công nhân có thể luân phiên làm việc. Đồng thời áp dụng cách thức trả lương: ngày làm nhận 100% lương, ngày nghỉ nhận 50% để công nhân có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Đây cũng là cách để chúng tôi giữ lại nhân sự, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn lao động”.


“Khi dịch bùng ở Gò Vấp, chúng tôi thống nhất cho công nhân nghỉ 30 ngày với mức lương cơ bản và chỉ giữ lại nhân sự chủ chốt theo hình thức làm trực tuyến. Trường hợp phải nghỉ quá 30 ngày, công nhân sẽ nhận 50% lương. Khi quay lại làm việc thì sẽ làm 1 tháng 28 ngày thay vì 26 ngày như trước đây. Chúng tôi cũng đã tổ chức lại bộ máy sản xuất và chia nhỏ lượng nhân công thành các nhóm tổ hợp để đảm bảo nguồn lực lao động, đề phòng nếu dịch có bùng phát lần nữa thì cũng không bị ảnh hưởng nhiều” - ông Thịnh nhấn mạnh.

"Nhờ ứng dụng tổ hợp công nhân, chúng tôi chỉ phải quản lý khoảng hơn 230 người thay vì hơn 1000 người như trước đây, trong đó có 57 người đứng đầu của 57 tổ hợp. Mỗi tổ hợp có khoản 30 đến gần 50 công nhân và có 2 nhân sự luân phiên kiểm tra, giám sát chất lượng sản xuất. Số tiền đầu tư vào tổ hợp sẽ khấu trừ dần vào sản lượng trong vòng 5 năm. Số còn lại làm việc tại các bộ phận hành chính khác.

Các tổ hợp tự quản lý nên họ tận dụng nguồn lực từ họ hàng, người thân vào làm cùng và nhận lương theo năm - điều này giúp DN giảm được khoản chi phí tuyển dụng và đào tạo rất lớn. Kinh nghiệm hơn 20 năm trên thương trường, tôi thấy đại đa số các DN đều gặp ít nhiều khó khăn trong vấn đề tổ chức nhân sự. Tuy nhiên, khi tìm ra mô hình này và ứng dụng vào thực tiễn, chúng tôi đã vượt qua gian đoạn khó khăn này và dự định nhân rộng mô hình này trong tương lai, tạo điều kiện cho nhiều nhân sự lâu năm có cơ hội làm chủ" - ông Thịnh nói thêm.

Về các gói hỗ trợ cho DN ảnh hưởng dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Thiệu - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q. Gò Vấp cho hay, các DN hội viên rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ trước đây. Bên cạnh tiêu chí xét đối tượng hỗ trợ quá khắt khe, theo ông Thiệu, cơ chế hỗ trợ có vẻ chưa rõ ràng, dẫn đến trường hợp chính quyền địa phương e dè khi xem xét thực hiện các quyết định hỗ trợ cho người dân và DN.

Bên cạnh đó, đối tượng DN nhỏ và siêu nhỏ nên được xếp vào nhóm riêng khi Chính phủ đề ra các gói hỗ trợ trong thời gian tới.

Có nhiều cách để hỗ trợ trực tiếp cho DN, ông Thiệu ví dụ có thể giảm hoặc miễn một năm thuế môn bài. “Đây là điều đơn giản nhất mà các quận, huyện có thể thực hiện được cho DN trên địa bàn. Mức trung bình 2 triệu đồng/năm nếu không miễn một năm thì cũng giảm một nửa. Giảm một triệu đồng cũng thiết thực và điều đó thể hiện sự chia sẻ của địa phương với DN”.

Đối với gói hỗ trợ lãi suất, ông Thiệu cho rằng đây là vấn đề tất cả các DN trong vùng dịch đang trông đợi. “Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc, can thiệp với các ngân hàng rà soát lại khoản vay và giảm ngay lãi suất cho những DN trong vùng dịch. Chẳng hạn lãi suất hiện tại là 11%/năm thì giảm ngay cho DN 4-5% trên mức lãi thực tế của khoản vay”, ông Thiệu kiến nghị.

Trong khi đó, ông Lê Trọng Nam - Phó Giám đốc Công ty Quý Dần đề nghị có thể giãn nợ với DN trong vùng dịch, có thể kéo dài thời gian tất toán thêm 6 tháng đến 12 tháng. Đây là cách hỗ trợ thực tế nhất cho các DN đang giảm doanh thu nhưng vẫn gánh chi phí cố định mặt bằng, BHXH cho người lao động như công ty Quý Dần.

Thiên Long
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595