Vay margin và giữ tiền mặt: Nỗi lo của thị trường chứng khoán

TTGĐ - Nợ vay ký quỹ của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đã liên tục tăng trong nhiều tháng qua và đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Đây có thể là một tín hiệu cảnh báo rủi ro thị trường sẽ sớm bước vào giai đoạn điều chỉnh, nhất là khi các nhà đầu tư "tay to" vẫn thoát hàng và chuyển dần sang giữ tiền mặt.

Nợ ký quỹ lên mức kỷ lục

Mức độ đầu cơ trên TTCK hiện nay đã vượt xa quá khứ. Một trong những chỉ báo quan trọng nhất là sự gia tăng cho vay ký quỹ (margin), trong đó các nhà đầu tư vay tiền từ các nhà môi giới để mua cổ phiếu và giao dịch trên thị trường tài chính, với tài sản thế chấp cho khoản vay chính là tài sản tài chính được mua.

Những rủi ro của giao dịch ký quỹ đã được tiết lộ vào tháng trước với sự sụp đổ của công ty đầu tư gia đình ít được biết đến trước đó là Archegos Capital, khi bị yêu cầu nộp thêm tiền để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ. Do không đáp ứng được lượng tiền mặt bổ sung, công ty này đã bị các hãng môi giới buộc bán ra hơn 20 tỷ USD cổ phiếu và sự sụp đổ của nó khiến các ngân hàng thiệt hại 10 tỷ USD.


Nhưng bất chấp cảnh báo này, các khoản vay ký quỹ tiếp tục leo thang. Theo dữ liệu từ Cơ quan Điều tiết ngành tài chính (FINRA) - một cơ quan giám sát Phố Wall hoạt động dưới sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, đã báo cáo rằng nợ ký quỹ vào cuối tháng 3 đã lên mức 822 tỷ USD, tăng gần 72% so với 479 tỷ USD vào cùng thời điểm năm ngoái, cao hơn gấp đôi so với mức đỉnh 400 tỷ USD vào năm 2007, thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Lần gần nhất TTCK chứng kiến lượng margin tăng nhanh như vậy là thời kỳ bong bóng dot-com năm 1999. Đáng lưu ý là trong đợt bùng nổ cổ phiếu dotcom năm 2000 và cho vay dưới chuẩn năm 2007, nợ ký quỹ của Mỹ cũng chỉ đạt mức tương đương khoảng 3% tổng sản lượng quốc nội, còn giờ đây tương đương gần 4%.

Rõ ràng nguồn tiền rẻ do các ngân hàng trung ương toàn cầu cung cấp đang tạo ra những cơn sốt đầu cơ chứng khoán.

Nỗi lo sợ tăng lên?

Xu hướng các nhà đầu tư mặc sức vay tiền để đầu tư đang đưa đến những lo ngại về rủi ro bong bóng tài sản và sự đổ vỡ không sớm thì muộn của TTCK. Trong báo cáo ổn định tài chính bán niên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, mặc dù hệ thống nhìn tổng thể vẫn ổn định trong đại dịch Covid-19, nhưng những mối đe dọa tiềm tàng đang gia tăng, nhất là nếu TTCK quay đầu rớt mạnh.

Thời gian qua, nhà đầu tư đã đổ xô mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và tiền kỹ thuật số. Họ đổ hàng tỷ USD vào các công ty séc trắng (SPAC) và thị trường cũng tỏ ra phấn khởi với những đợt IPO mới. Chủ tịch Jerome Powell và những quan chức khác của FED liên tục bị chất vấn về việc liệu họ có lo ngại về đà tăng của giá tài sản. Về phần mình, ông Powell cho biết miễn là lãi suất còn ở mức thấp, mức định giá đó vẫn hợp lý. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng mối đe dọa tiềm tàng đang nhen nhóm nếu như tâm lý của nhà đầu tư bất chợt thay đổi.

Ngược với xu hướng mặc sức vay nợ của các nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức lớn đang rút dần các khoản đầu tư để chuyển sang nắm tiền mặt, do lo ngại bong bóng tài sản có thể vỡ bất kỳ lúc nào.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ là bà Janet Yellen thừa nhận rằng Mỹ có thể phải nâng lãi suất để tránh đẩy nền kinh tế vào trạng thái “quá nhiệt” khi hàng nghìn tỷ USD kích thích chi tiêu của chính phủ được tung ra. Dù sau đó Janet Yellen phải lên tiếng đính chính lại nhận định ấy và cho rằng không gợi ý đến việc FED nâng lãi suất, nhưng rõ ràng những lo ngại bà đưa ra là có cơ sở.

Ngược với xu hướng mặc sức vay nợ của các nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức lớn đang rút dần các khoản đầu tư để chuyển sang nắm tiền mặt, do lo ngại bong bóng tài sản có thể vỡ bất kỳ lúc nào. Nhà đầu tư đã tăng tỷ trọng tiền mặt với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2020 khi cuộc tranh luận ngày càng gay gắt về việc liệu đà tăng của TTCK có tiếp tục diễn ra hay không khi nền kinh tế Mỹ đang dần hồi phục.

Dữ liệu từ quỹ EPFR cho thấy, các nhà đầu tư đã chuyển 57,3 tỷ USD cổ phiếu thành tiền mặt trong tuần từ ngày 22-28/4/2021. Các nhà phân tích tại các tổ chức tài chính của Mỹ cho rằng, đây là số cổ phiếu lớn nhất được chuyển đổi thành tiền kể từ tháng 3/2020 khi thảm họa Covid-19 bao trùm các thị trường chứng khoán. Tổng lượng tiền nắm giữ của nhà đầu tư tăng lên có khả năng lặp lại cảnh báo rủi ro gia tăng và dự báo lợi nhuận kỳ vọng từ TTCK sẽ sụt giảm.

Ngay cả quỹ đầu tư của thiên tài Warren Buffett hiện cũng đang nắm giữ núi tiền mặt không lồ lên đến 145,4 tỷ USD vào cuối quý I/2021, tăng 5,2% so với cuối quý trước. Con số này gần sát mức kỷ lục ghi nhận hồi quý III/2020. Được biết, giá trị bán ròng cổ phiếu của Berkshire Hathaway trong quý I/2021 cũng đạt mức cao thứ hai trong 5 năm qua, với 3,8 tỷ USD cổ phiếu, đồng thời ông cũng tỏ ra cẩn trọng hơn về TTCK.

Khải Hoàng
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595