Sóng thần Covid-19 tại Ấn Độ và loạt hậu quả đáng sợ cho nền kinh tế thế giới

TTGĐ - Nếu cơn sóng thần Covid-19 quét qua Ấn Độ tồi tệ hơn, mọi thứ từ quần áo, dược phẩm đến dịch vụ tài chính, vận chuyển đều sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đến ngày 12/5/2021, tổng số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ đã lên đến 23.340.426, tiếp tục tăng hơn 300.000 người trong 24 giờ qua. Theo hãng tin RT, sự bùng nổ mạnh mẽ trong số lượng ca nhiễm, cùng số người tử vong hằng ngày cao nhất từ trước đến nay, không chỉ cản trở đà phục hồi kinh tế của quốc gia Nam Á, mà còn kéo theo nhiều khu vực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu.


Theo Yahoo Finance, nền kinh tế Ấn Độ sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn trong quý II/2021, kéo theo triển vọng tăng trưởng toàn cầu đi xuống. Hãng phân tích Oxford Economics dự báo, tăng trưởng GDP của Ấn Độ sẽ giảm còn 10,2% trong năm 2021, từ mức 11,8%.

Không chỉ lớn về dân số, diện tích và quy mô của nền kinh tế, mà vai trò đáng kể của Ấn Độ trong hoạt động sản xuất, giao thương quốc tế càng khiến cho "cơn sóng thần" Covid-19 đang quét qua nước này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều ngành công nghiệp trên thế giới, từ dịch vụ tài chính, vận chuyển, quần áo, cho đến dược phẩm và nhiều ngành khác.

Chuỗi cung ứng toàn cầu tắc nghẽn

Theo thông tin từ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển, khoảng 80% lượng hàng hóa thế giới (tính theo khối lượng) được vận chuyển bằng tàu biển; trong đó, có rất nhiều thủy thủ là người Ấn Độ.

Tổng thư ký Phòng Vận tải biển quốc tế Guy Platten cho biết, hơn 200.000 người trên tổng số 1,7 triệu thuyền viên toàn cầu đến từ Ấn Độ, và nhiều người trong số họ có vị trí cao cũng như có kinh nghiệm đi biển dày dạn.

Do đó, nguy cơ tàu chở hàng "đói thuyền viên" là rất lớn, khi nhiều quốc gia đã cấm các chuyến bay từ Ấn Độ, khiến việc đưa công nhân từ nước này đến các cảng trên thế giới là không thể, và ngăn cản kể cả việc thay đổi thuỷ thủ đoàn. Theo René Piil Pedersen - người đứng đầu Bộ phận quan hệ hàng hải của Maersk, thế giới sẽ đối mặt với rủi ro lớn về dòng chảy hàng hóa toàn cầu, và cuộc khủng hoảng nhân sự, do các thủy thủ đoàn không thể rời tàu và trở về nhà.

"Các chuyến tàu chở hàng cũng chậm trễ đáng kể do lịch di chuyển tàu chậm lại. Ở một số nơi, như Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, đã áp các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt đối với tàu đến từ cảng của Ấn Độ", Giám đốc vận chuyển tại công ty vận tải và hậu cần GAC (Ấn Độ) Sankar Narayanan nói

Trước đó, Phòng Thương mại Mỹ (USCC) ngày 26/4/2021 cũng đã cảnh báo rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu trước tình hình dịch bệnh tại ấn Độ, trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đang thuê hàng triệu công nhân Ấn Độ để giải quyết công việc văn phòng. "Tôi cho rằng, tình hình có thể sẽ xấu đi trước khi diễn tiến tích cực hơn", Phó chủ tịch điều hành Myron Brilliant của USCC nói với Reuters, đồng thời cho biết nhiều người đang lo ngại kinh tế Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng vì tình hình Covid-19 tại Ấn Độ.


Dệt may thiếu lao động

Tình trạng thiếu lao động do đại dịch cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dệt may Ấn Độ. Vì quốc gia Nam Á là một trong số các nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất trên thế giới, ngành sản xuất quần áo nhiều khả năng ​​sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. "Đây là lần đầu tiên thế hệ chúng tôi trải qua điều này", Arpit Aryan Gupta - Giám đốc phát triển kinh doanh của nhà sản xuất hàng may mặc NG Apparels ở Ludhiana, bang Punjab, nói.

Được biết, 50% số công nhân của nhà sản xuất này đã nghỉ việc do Covid-19. Những người còn lại được bao ăn ở ngay tại xưởng để nhà máy có thể tiếp tục hoạt động. Ở các nơi khác, nhiều nhà sản xuất cũng đang đứng trước kịch bản tương tự. Theo công ty tư vấn Wazir Advisors, tỷ lệ vắng mặt của nhân viên trong ngành dệt may Ấn Độ hiện là 50%; trong khi lượng tiêu thụ và xuất khẩu của ngành quần áo nội địa đã giảm lần lượt 30% và 24% vào năm 2020.

Đồng thời, quốc gia Nam Á cũng là nước xuất khẩu các mặt hàng bằng da lớn thứ hai và là nhà xuất khẩu da lớn thứ tư trên thế giới. Các sản phẩm giày dép của Ấn Độ được bán ra nước ngoài chỉ kém Trung Quốc, với sản lượng 3 tỷ đôi giày/năm.

Vaccine và dược phẩm khác

Thêm vào đó, vai trò đáng kể của Ấn Độ đối với nguồn cung vaccine toàn cầu cũng đang trở thành vấn đề lớn. Hiện, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đang là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, sản xuất hơn 60% tất cả các loại vaccine được bán trên toàn cầu, đồng thời là nhà cung cấp lớn nhất cho chương trình chia sẻ vaccine COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như là đối tác sản xuất vaccine Covid-19 của Hãng dược AstraZeneca.

Theo Yahoo Finance, nếu Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu khoảng 2-3 tháng, tác động trực tiếp đến COVAX sẽ rất lớn, dẫn đến hậu quả là các nền kinh tế có thu nhập thấp tại châu Phi - nơi phụ thuộc vào COVAX - đối mặt với khó khăn về nguồn vaccine trong những ngày tới.


Ngoài ra, ngành công nghiệp dược phẩm thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu khủng hoảng dịch tại Ấn Độ trầm trọng hơn, do quốc gia Nam Á là nơi cung cấp dược phẩm lớn nhất thế giới, nổi tiếng với nhiều loại thuốc generic - phiên bản tương đương biệt dược với cùng tác dụng nhưng chi phí thấp hơn. Theo nghiên cứu từ Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ và KPMG, 90% các đơn thuốc tại Mỹ có thuốc generic, và cứ ba viên thuốc được bán ra thì có một viên do Ấn Độ sản xuất. Đáng chú ý, các nhà sản xuất thuốc Ấn Độ phải nhập 70% nguyên liệu thô từ Trung Quốc - mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Song, dịch bệnh đang khiến quy trình sản xuất dược phẩm tại Ấn Độ chậm lại.

"Hầu hết các quốc gia phụ thuộc nguồn cung thuốc generic tại Ấn Độ, trong khi nước này lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô từ Trung Quốc. Đây sẽ là cú đánh lớn với chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu nếu luồn thương mại hai bên bị gián đoạn", Phó giáo sư Phân tích Kinh tế và quản lý hoạt động tại trường kinh doanh - Johns Hopkins Carey Tinglong Dai nhận xét.

Khôi Nguyên
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595