Phát triển mạng 6G: Cuộc đua khốc liệt để sớm khai thác thương mại

(TTGĐ) - Với công nghệ tiêu chuẩn đầu tiên dự kiến có mặt năm 2026, mạng 6G nhiều khả năng sẽ được đưa vào khai thác thương mại trong năm 2028 và 2029, sớm hơn so với chu kỳ mỗi 10 năm lại triển khai một thế hệ mạng di động mới.


Kịch bản trên đến từ báo cáo 6G Standards and Market Development (Phát triển Thị trường và Bộ Tiêu chuẩn 6G) của công ty tư vấn thị trường công nghệ ABI Research. Trong đó, tính bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư của người dùng và sự bền vững khi sử dụng năng lượng sẽ là các tính năng chủ chốt, khiến mạng di động thế hệ thứ 6 (6G) trở thành một "hệ thống truyền thông hoàn toàn mới", chứ không đơn thuần là phiên bản nâng cấp của 5G.

Và, cuộc chạy đua ráo riết cho mạng 6G giữa các nước đứng đầu về công nghệ đã nhen nhóm trong nhiều năm qua, khi mạng 5G ngày càng trở nên phổ biến. Có thể kể đến một số quốc gia và khu vực trên thế giới đã tham gia cuộc đua nghiên cứu triển khai công nghệ mạng 6G như Mỹ, Phần Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu…

Các quốc gia, doanh nghiệp tham gia cuộc đua 6G từ sớm sẽ có lợi thế rất lớn khi sở hữu các bằng sáng chế liên quan đến các tiêu chuẩn truyền thông, nhờ đó có cơ hội thu về lợi nhuận khổng lồ thông qua việc bán thiết bị cùng phần mềm. Dự báo, giá trị thị trường 6G trên toàn thế giới có thể đạt 1.773,09 tỷ USD vào năm 2035, với những cái tên nổi bật như Apple, Nokia, AT&T, T-Mobile US, Verizon Communications, Intel, Huawei Technologies, LG Corporation, Cisco Systems và Sony.

Hiện, vị trí dẫn đầu đang thuộc về Samsung Electronics và Huawei Technologies, đặc biệt trong việc lắp đặt các trạm phát sóng mặt đất - yếu tố quan trọng sẽ làm nên xương sống cho các mạng di động tương lai. Theo đó, hoạt động chuẩn hóa thông số kỹ thuật cho mạng 6G sẽ được triển khai từ năm 2023 - động thái nhiều khả năng thúc đẩy việc phát triển thiết bị và linh kiện, giúp tiến trình thương mại hoá mạng 6G diễn ra sớm hơn nữa, vào năm 2027.

Theo Nikkei Asian Review, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ có lợi thế trong cuộc chạy đua công nghệ 6G, trong khi Nhật Bản và Mỹ sẽ gặp khó nếu muốn đuổi kịp hai quốc gia này. Tại Hàn Quốc, Samsung cùng LG Electronics đã tiến hành xây dựng các trung tâm nghiên cứu; còn chính quyền Seoul dự kiến rót 200 tỷ Won (khoảng 179,2 triệu USD) để đảm bảo công nghệ 6G cơ bản, từ năm 2021 đến năm 2026, với mục tiêu đưa xứ sở kim chi trở thành quốc gia đầu tiên triển khai dịch vụ 6G thương mại.


Công nhân lắp đặt trạm phát sóng mặt đất ở bang Texas, Mỹ. So với 5G, mạng 6G sẽ có tốc độ nhanh hơn gấp 10 lần, song khoảng cách truyền dẫn của các trạm phát sóng chỉ vào khoảng 200m hoặc ít hơn, nên sẽ cần nhiều trạm phát sóng hơn. Ảnh: Reuters

Hiện, Samsung đang dẫn đầu cuộc đua 5G với 8,9% số bằng sáng chế; kế tiếp là Huawei (8,3%) và Qualcomm (7,4%). Đại diện từ Nhật Bản là NTT Docomo đang đứng thứ sáu với 5,5% thị phần, theo Cyber Creative Institute. Riêng LG gần đây đã xác nhận việc ngừng kinh doanh mảng điện thoại di động trên toàn cầu vì "công ty có những điều cần ưu tiên", trong bối cảnh có thông tin cho rằng, gã khổng lồ công nghệ đã bắt tay với công ty Keysight Technologies (Mỹ) cùng Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), để tập trung vào nghiên cứu công nghệ 6G.

Về phía Trung Quốc, Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia nước này (CNIPA) tuyên bố, quốc gia tỷ dân đang dẫn đầu thế giới về số bằng sáng chế liên quan đến công nghệ mạng 6G. Cụ thể, Trung Quốc chiếm 35% trong số khoảng 38.000 bằng sáng chế liên quan đến 6G trên thế giới, tương đương 13.449 bằng sáng chế. Đứng thứ 2 là Mỹ với số bằng sáng chế chiếm 18%. Trong khi Mỹ và châu Âu đã khởi động các dự án nghiên cứu 6G, tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo lợi ích, CNIPA nói rằng Trung Quốc đã "tận dụng lợi thế công nghệ từ mạng 5G để tiếp tục đi đầu".

Dù vậy, cần biết rằng, chỉ có một công ty của Trung Quốc lọt vào danh sách 10 doanh nghiệp 6G hàng đầu thế giới. Theo PhoneArena, 3 cái tên nắm giữ nhiều bằng sáng chế 6G nhất gồm NEC, Daewoo Communications và Mitsubishi. Ngoài ra, Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái cũng đã phóng vệ tinh để kiểm tra về khả năng truyền 6G, trong khi nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE hợp tác với China Unicom Hong Kong để phát triển thế hệ công nghệ mới và Huawei có trung tâm nghiên cứu 6G ở Canada.

Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua công nghệ lần này, Mỹ có thể sẽ cản trở tham vọng 6G của Huawei nói riêng và Trung Quốc nói chung. Minh chứng rõ nhất là việc Washington bắt đầu với Liên minh Giải pháp Công nghiệp Viễn thông (ATIS) và ra mắt Liên minh Next G vào tháng 10/2020 để "nâng cao vị thế lãnh đạo Mỹ trong công nghệ 6G". Các thành viên của liên minh gồm nhiều gã khổng lồ công nghệ như Apple, AT&T, Qualcomm, Google và Samsung Electronics, và dĩ nhiên không có Huawei.

Vikrant Gandhi - Giám đốc cấp cao về công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Frost & Sullivan, nhận xét: "Mỹ từng bỏ lỡ cơ hội để dẫn đầu công nghệ không dây 5G, và lần này họ quyết tâm tập trung phát triển 6G. Cạnh tranh cho vị trí dẫn đầu 6G sẽ khốc liệt hơn nhiều so với 5G".

Khải Hoàng
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595