Vì sao Trung Quốc "ngược dòng" chính sách tiền tệ

TTGĐ - Bất chấp việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ của các nước phát triển và lời kêu gọi của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc gần đây vẫn tỏ dấu hiệu "đi ngược dòng" chính sách ấy.

Nhiều nước vẫn nới lỏng chính sách tiền tệ

Trong một báo cáo mới đây, IMF đánh giá nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ mở rộng trong năm nay với tốc độ nhanh nhất, khi việc tiêm chủng vaccine tăng tốc và các nền kinh tế tiên tiến chi tiêu mạnh tay để chống lại đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, IMF cũng chỉ ra rằng, sự phục hồi sẽ kém mạnh mẽ hơn ở nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do xuất khẩu hàng hóa và du lịch sụt giảm, thường thiếu nguồn tài chính cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế. Vì vậy, IMF cảnh báo Mỹ và các quốc gia giàu khác không nên thắt chặt chính sách tiền tệ sớm, tránh tăng chi phí đi vay và gánh nặng nợ cho các quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài chính từ nước ngoài. Lời kêu gọi của IMF cho thấy sự lo ngại của ngân hàng trung ương (NHTƯ) các nước về lạm phát gia tăng. Điều này sẽ tác động trực diện tới khối nợ khổng lồ mà các quốc gia này đã tạo ra, có thể làm vỡ bong bóng tài sản được bơm phồng bởi nợ cũng như làm hạn chế khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cảnh báo về sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia trên thế giới, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế lớn nỗ lực cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính mới nhằm phát triển kinh tế thế giới, thay vì rút các khoản hỗ trợ quá sớm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn đang duy trì chính sách mở rộng tiền tệ, theo đó tiếp tục giữ lãi suất cơ sở ở mức gần 0% và tiếp tục kế hoạch mua trái phiếu chính phủ trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng. NHTƯ châu Âu (ECB) hối thúc việc tăng chi tiêu để kích thích kinh tế, một dạng tiếp tục nới lỏng tiền tệ.


Vì đâu Trung Quốc "ngược dòng"?

Dù vậy, trước những lo ngại nợ, bong bóng tài sản và lạm phát, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) dường như buộc phải lờ đi lời kêu gọi của IMF cũng như động thái của các NHTƯ khác. PBoC gần đây đã yêu cầu các ngân hàng lớn của Trung Quốc hạn chế tăng trưởng tín dụng từ nay cho đến hết năm 2021, sau khi cho vay tăng mạnh trong hai tháng đầu năm bởi dễ gây ra nguy cơ bong bóng tài sản. Năm 2021, với việc duy trì mức phân bổ tín dụng tương tự năm 2020, tổng dư nợ của Trung Quốc sẽ tăng 11% - tốc độ tăng chậm nhất trong hơn 15 năm. Trong khi đó, chính sách nới lỏng tiền tệ của Bắc Kinh, bao gồm cả việc áp dụng lãi suất thấp hơn, bắt đầu từ tháng 1/2020 sau sự gia tăng các ca lây nhiễm Covid-19 ở trong nước, đạt đến đỉnh điểm vào tháng 10, sau đó 9 tháng, với mức độ chỉ tương đương 41% cường độ ở giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008. Điều đó có nghĩa là chương trình kích thích kinh tế của Trung Quốc đã kết thúc sớm hơn ba tháng so với chương trình kéo dài 12 tháng vào năm 2009.

Bắc Kinh cũng đang rút một phần thanh khoản đã được bơm vào hệ thống tài chính khi đại dịch bùng phát nhằm hạn chế đầu cơ và tránh hình thành bong bóng tài sản. Tăng trưởng của tổng tài trợ vốn trong toàn xã hội (total social financing), thước đo về tín dụng và thanh khoản, đã bắt đầu giảm nhẹ.

Là nền kinh tế đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch và phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, Trung Quốc đang rút lại các gói hỗ trợ tài chính gấp gáp hơn so với cách họ làm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nền kinh tế Trung Quốc đang trở lại với xu hướng tăng trưởng dài hạn, vì sự phục hồi hình chữ V sau đợt sụt giảm do Covid-19 đã hoàn tất bằng tốc độ tăng kỷ lục trong quý I vừa qua, đạt 18,3% so với cùng kỳ 2020.

Các gói kích thích tại các nền kinh tế phát triển đang giúp tăng nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc và làm tăng thêm sức bật cho nền kinh tế thứ hai thế giới, giúp các nhà chức trách nước này có thêm thời gian để giải quyết các vấn đề trong nước mà không quá lo ngại về ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc cũng đang tăng nhanh nhất trong gần ba năm, với tháng 3 vừa qua mức tăng đến 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu chỉ số PPI cũng làm gia tăng áp lực lạm phát tại Trung Quốc. Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc tăng 0,4% trong tháng 3, đánh dấu sự quay trở lại lạm phát sau hai tháng giảm phát.

Trung Quốc có lý do để giảm kích thích phát triển nhanh hơn các nền kinh tế lớn khác. Mục đích của việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Trung Quốc cũng nhằm bịt các lỗ hổng tài chính và giải quyết nguy cơ phát triển quá nóng trên thị trường bất động sản và tài chính.

Dù vậy, giới phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ chưa sớm tăng lãi suất hoặc áp dụng các biện pháp mạnh tay khác mà có thể dẫn tới một sự thay đổi quá đột ngột của chính sách tiền tệ và gây hại cho sự phục hồi kinh tế. Một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang thực hiện cách tiếp cận "tiết chế" là gần đây PBoC vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản - một định hướng cho chi phí cho vay - trong tháng 3, tháng thứ 11 liên tiếp. Goldman Sachs cũng dự báo PBoC sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách và điều tiết tăng trưởng tín dụng giảm dần về bằng với tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) danh nghĩa vào cuối năm nay.

Minh Ngọc
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595