Kinh tế toàn cầu và mối lo “thập niên mất mát” hậu đại dịch Covid-19

TTGĐ - Mặc dù gần 26.000 tỷ USD đã được các nước trên thế giới tung ra nhằm chống lại các tác động của đại dịch Covid-19, các chuyên gia cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những hậu quả kéo dài và thế giới có thể trải qua “thập niên mất mát” với mức tăng trưởng kinh tế thấp.


Một số chuyên gia cảnh báo dù các quốc gia trên thế giới đã tung ra khoảng 26.000 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và đẩy nhanh phát triển vaccine nhưng đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những “di chứng” kéo dài đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với nhóm các nền kinh tế thu nhập thấp. Sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến hoạt động giáo dục bị gián đoạn, nợ các quốc gia tăng cao và bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội bị nới rộng.

Bà Vellore Arthi, trợ lý giáo sư kinh tế học tại Đại học California (Hoa Kỳ), nhận định “Sau một năm khủng khiếp, chúng ta sẽ rất dễ cảm thấy nhẹ nhõm khi mọi thứ quay về quỹ đạo ban đầu. Tuy nhiên, rất nhiều hệ quả có thể kéo dài hàng thập kỷ và không dễ dàng giải quyết".

Thập niên mất mát

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), quy mô GDP của nền kinh tế thế giới đã suy giảm 4,3% trong năm 2020. Đây là mức suy giảm GDP toàn cầu lớn nhất kể từ những năm 1930 khi cuộc Đại suy thoái xảy ra.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính mức giảm này tương đương 255 triệu lao động toàn thời gian mất việc làm. Trong khi đó, tổ chức nghiên cứu Pew Research Center (Hoa Kỳ) nhận định số người thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu năm ngoái giảm lần đầu tiên kể từ thập niên 90.

Tuy nhiên, theo tạp chí kinh tế The Economist (Anh), con số thiệt hại trên là chưa đầy đủ khi mới chỉ so với quy mô của nền kinh tế thế giới trước đại dịch, chứ chưa so với quy mô sẽ đạt được của nền kinh tế thế giới nếu đại dịch Covid-19 không xảy ra.

Ngân hàng Thế giới cũng cho biết để nền kinh tế toàn cầu quay trở lại như mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra sẽ phải mất một chặng đường dài. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới bà Carmen Reinhart nhận định “Đối với rất nhiều quốc gia, hậu quả do Covid-19 để lại sẽ không thể đảo ngược”.

Bên cạnh đó, gánh nặng kinh tế do đại dịch Covid-19 để lại không phân chia đều giữa các quốc gia. Nghiên cứu của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics trên 162 quốc gia với 31 tiêu chí chỉ ra rằng Philippines, Peru, Colombia và Tây Ban Nha là những nền kinh tế dễ chịu tổn thương lâu dài nhất vì đại dịch. Trong khi đó, Australia, Nhật Bản, Na Uy, Đức và Thụy Sĩ là những nước có vị thế tốt nhất.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng các nền kinh tế phát triển sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch trong năm nay và trong thời gian tới. Trong khi đó, các nước có thu nhập thấp và mới nổi sẽ chịu tác động lớn hơn. Điều này ngược lại với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra hồi cuối năm 2008 khi các nước giàu phải chịu hậu quả nặng nề hơn.

Ví dụ, nền kinh tế Hoa Kỳ đang bùng nổ với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay được IMF dự báo sẽ đạt 6,4% - mức cao nhất kể từ những năm 1970 trở lại đây nhờ các biện pháp kích thích kinh tế quy mô hàng nghìn tỷ USD.

Thậm chí, Nhà kinh tế trưởng IMF bà Gita Gopinath nhận định, về tổng thể, tàn dư do đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế Hoa Kỳ thậm chí là gần như không còn.

Hồi tháng 1 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo thế giới sẽ phải trải qua “một thập kỷ tăng trưởng thất vọng” nếu không có các biện pháp khắc phục. Ngân hàng Thế giới ước tính quy mô GDP toàn cầu trong năm 2025 sẽ vẫn thấp hơn 5% so với mức trước khi đại dịch xảy ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ rơi xuống mức dưới 2% trong thập kỷ tới.

Nhiều nhà phân tích nhận định thế giới có thể tránh được “thập niên mất mát” nếu các chính sách phù hợp được thực hiện, đặc biệt là đào tạo lại kỹ năng cho công nhân và hỗ trợ nhóm chịu tác động nặng nhất từ cuộc khủng hoảng, tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới và gia tăng đầu tư, nhất là trong lĩnh vực kinh tế xanh và chống biến đổi khí hậu. Hiện các ngân hàng trung ương và nhiều chính phủ trên thế giới đã phát tín hiệu cho thấy sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ phục hồi hậu đại dịch Covid-19.

Bà Catherine Mann, Nhà kinh tế trưởng tại tập đoàn tài chính Citigroup (Hoa Kỳ) nhận định “Sự đổi mới sẽ hỗ trợ tăng năng suất và gia tăng đầu tư sẽ giúp nâng cao mức sống. Chìa khoá của sự phục hồi là các chiến lược để giữ và đào tạo công nhân nhằm tận dụng cơ hội tăng năng suất lao động”.

Phục hồi gập ghềnh

Các dữ liệu từ các quốc gia vốn nhanh chóng kiểm soát được đại dịch đã cho thấy con đường phục hồi kinh tế gập ghềnh phía trước. Sau khi đà phục hồi hình chữ V đi qua, nền kinh tế New Zealand đã co lại trong quý IV/2020 do thiếu hụt khách du lịch nước ngoài. Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là nơi đã kiểm soát được dịch bệnh gần 1 năm qua, mức tiêu dùng hiện vẫn ở mức thấp.

Mặc dù người dân đã tích trữ lượng tiền lớn trong năm qua nhưng nhiều phân tích cảnh báo hành vi tiêu dùng sau đại dịch có thể thay đổi và trở nên thiếu chắc chắn hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra.

Ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Hoa Kỳ) cho biết "Nếu mọi người quay lại ăn ngoài, du lịch, tập gym như xưa, rất nhiều ngành sẽ hồi sinh. Nhưng cũng có khả năng hành vi này thay đổi, khiến nhiều người thất nghiệp hơn và không chính phủ nào giải quyết được điều này”.

Theo Ngân hàng Thế giới, dữ liệu lịch sử cho thấy 5 năm sau suy thoái kinh tế tại một quốc gia, dự báo tăng trưởng dài hạn thường thấp hơn 1,5% so với kịch bản không xảy ra suy thoái. Cuộc khủng hoảng đã tăng tốc việc sử dụng robot trong cả ngành sản xuất và dịch vụ, khi người lao động và khách hàng cần được giữ an toàn trong đại dịch. Dù việc này làm tăng năng suất, nó lại đe dọa hàng triệu việc làm.

Hãng tư vấn kinh tế McKinsey & Co dự báo đến năm 2030, 100 triệu người tại 8 nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể phải chuyển đổi nghề nghiệp. Những người dễ chịu ảnh hưởng nhất là tầng lớp có trình độ giáo dục thấp, phụ nữ, người thuộc nhóm thiểu số và người trẻ. Khi thất nghiệp càng lâu thì kỹ năng của những nhóm người này càng dễ mai một.

Ông Eric Robertsen, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của tập đoàn tài chính Standard Chartered (Anh), nhận định “Rất nhiều nghề nghiệp sẽ biến mất mãi mãi. Các công việc thu nhập thấp ở những công ty hay lĩnh vực nhỏ sẽ biến mất khi nhóm doanh nghiệp hoặc lĩnh vực này không còn. Rất nhiều công ty thích ứng tốt hơn sẽ nhảy vào thế chỗ, nhưng với ít nhân lực hơn".

Kể cả khi các doanh nghiệp này không biến mất, quy trình lao động cũng sẽ thay đổi. Các nhà phân tích vẫn đang tranh luận liệu những xu hướng lao động mới hậu đại dịch Covid-19 sẽ tác động đến mức lương như nào. Một điều chắc chắn là những tác động dài hạn của đại dịch Covid-19 sẽ phản ánh vào nguồn vốn nhân lực khi đại dịch khiến trẻ em và sinh viên nhiều nước không thể tham gia hoạt động giáo dục trong suốt cả năm.

Trong năm ngoái, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tính toán việc học sinh không thể đến trường trong một phần ba năm học có thể kìm hãm GDP của một quốc gia suốt những năm còn lại của thế kỷ. Những học sinh lớp 1 đến lớp 12 có thể nhận thu nhập thấp hơn 3% trong suốt cuộc đời. Nhóm chịu tác động mạnh nhất là người nghèo và thiểu số.

Viện Tài chính Quốc tế cũng chỉ ra khả năng phục hồi hoàn toàn sẽ phức tạp thêm khi khối nợ toàn cầu tăng 24.000 tỷ USD năm ngoái, lên tổng cộng 281.000 tỷ USD. Và kể cả khi không có khủng hoảng nợ, một khi lãi suất tăng lên, các nước và các doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu sức ép lớn, ông Mark Zandi – kinh tế trưởng tại hạng tư vấn Moody’s Analytics (Hoa Kỳ) kết luận.

Khôi Nguyễn 
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595