Chuyển đổi số cho y tế thông minh: Sức mạnh từ sự kết nối

TTGĐ - Trong khuôn khổ Techfest 2020, hội thảo “Chuyển đổi số cho y tế thông minh” vừa được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, Hà Nội do VMED Group - Trưởng làng Công nghệ Y tế tổ chức đã đưa ra xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và ngành y tế Việt Nam, đề xuất cách thức hữu hiệu để khai thác, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ngành y Việt Nam trong thời gian tới.


Ông Ngô Thanh Sơn – Phó tổng giám đốc VMED Group khẳng định: “Thị trường công nghệ y tế tại Việt Nam tồn tại rất nhiều khó khăn và thách thức bởi đây là một lĩnh vực đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, khó tiếp cận và thay đổi thói quen người dùng. Tuy nhiên đây cũng là một thị trường đầy tiềm năng khi nền hạ tầng y tế Việt Nam chưa hoàn thiện, vẫn còn thiếu nhiều yếu tố công nghệ trong hoạt động điều hành, quản trị và khám chữa bệnh. Với vai trò Trưởng làng Công nghệ Y tế, chúng tôi sẽ mang ngành y tế đến gần hơn với công nghệ, cùng startup phân tích và giải những bài toán đúng hướng và hiệu quả.”

Đại diện cho Bộ Y tế, ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục CNTT cho biết: ‘Bộ Y tế đang lên kế hoạch triển khai bệnh viện “3 không” – không xếp hàng, không hồ sơ giấy, không thanh toán bằng tiền mặt. Ông Nam cũng bày tỏ mong muốn Bộ y tế có thể kết nối sâu với doanh nghiệp và các startup để dùng công nghệ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Kể câu chuyện về kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số cho bệnh viện tại Nhật Bản của Ominext Group – doanh nghiệp CNTT về giải pháp hệ thống thông tin trong y tế và chăm sóc sức khoẻ cho thị trường Nhật Bản cũng đem đến những bài học kinh nghiệm quý báu cho công cuộc chuyển đổi số tại các bệnh viện ở Việt Nam. Qua thực tiễn tham gia triển khai chuyển đổi số tại 5.000 cơ sở y tế và 3.000 nhà thuốc tại Nhật Bản, ông Trần Quốc Dũng - CEO Ominext Group nhấn mạnh những điểm cần chú ý khi thực hiện chuyển đổi số ở các bệnh viện, bao gồm: Phải lập chiến lược số, kế hoạch chuyển đổi số; Cần có một đội ngũ chuyên gia tư vấn; Cần phải chuyên môn hóa từng hạng mục; Sự góp sức của truyền thông…

Ông John Masud Parvez-Sáng lập kiêm Chủ tịch tổ chức Vietnam Social Health Revolution cũng đưa ra một số quan điểm, phân tích thú vị về xu hướng chuyển đổi số cho y tế, từ đó giúp các startup đã có cái nhìn thực tế và sâu sát hơn về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Ông Cao Anh Tuấn – Đồng trưởng làng Công nghệ Y tế và ông Nguyễn Francis Tuấn Anh – Cố vấn cấp cao về công nghệ và giải pháp của VMED Group nhận định: “Thời đại số cần tập trung vào sản phẩm người dùng yêu cầu và thị trường tìm kiếm. Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp, tiền không hẳn là yếu tố quan trọng nhất. Cần thiết phải có những cố vấn khởi nghiệp, những người sẵn sàng trao cho bạn kinh nghiệm mà họ tích luỹ trong thời gian dài. Khi gặp một vấn đề, mình biết phải tìm đến ai để hỏi, để được tư vấn. Hướng đi bền vững là tạo ra một sản phẩm giải quyết các vấn đề của thế giới hoặc với một vấn đề đã có lời giải thì tìm xem có cách làm nào mới và hay hơn không, cách làm nào áp dụng vào thị trường Việt Nam tốt hơn không. Các bạn trẻ khởi nghiệp cần chủ động hơn, thử thuyết trình, tham gia các cuộc thi, trải nghiệm nhiều hơn để rèn cách mình suy nghĩ về các vấn đề.”.

Đặc biệt, Làng Công nghệ Y tế ghi dấu ấn với MedON – dự án được xướng tên trong Top 10 dự án xuất sắc nhất. “Chuyển đổi số trong y tế là xu hướng tất yếu, và chắc chắn sẽ mang lại những đổi thay vượt bậc trong hoạt động quản trị, công tác khám chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung. Với vai trò Trưởng làng Công nghệ Y tế, VMED Group sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện sứ mệnh tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa “5 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà khoa học – Doanh nghiệp - Cộng đồng, biến những dự án thành hành động, góp phần tích cực vào thành công của công cuộc chuyển đổi số ngành y, tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển bền vững trong xu thế “chuyển đổi số” của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”, ông Ngôc Thanh Sơn nói.

Thiên Long
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595