Tiền đồng trước nguy cơ tăng giá

TTGĐ - Sau đợt tăng mạnh trong tháng 3, hiện nay tỷ giá USD/VND lại đối mặt với xu hướng đi xuống, đồng nghĩa với việc tiền đồng đang đứng trước nguy cơ tăng giá so với USD. Động lực nào tạo ra diễn biến này và liệu xu hướng ấy có tiếp diễn?


Các thị trường đồng pha 

So với thời điểm đầu năm, giá USD trên thị trường tự do đang giảm 50-60 đồng, tương ứng ở chiều mua vào và bán ra, đồng thời bám khá sát tỷ giá tham chiếu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết. Giá giao dịch USD chính thức tại nhiều ngân hàng cũng thấp hơn so với đầu năm, cho thấy tâm lý trên thị trường ngoại hối vẫn ổn định.

Thậm chí tỷ giá trung tâm USD/VND trong tháng 8 vừa qua tiếp tục giảm thêm 13 đồng, phản ánh diễn biến tăng giá đồng pha của tiền đồng so với USD trên các thị trường - một điều hiếm khi xảy ra trong nhiều năm trở lại đây, khi tỷ giá trung tâm luôn được NHNN duy trì đà tăng theo cam kết một năm điều chỉnh tăng không quá 2%.

Đồng USD trên thị trường quốc tế giảm mạnh từ giữa tháng 3 đến nay, đặc biệt là từ tháng 5-7, đã tác động đáng kể lên diễn biến thị trường ngoại hối ở nước ta. Cụ thể, chỉ số USD Index đã giảm hơn 10% trong 5 tháng qua, rớt từ vùng 103 điểm về dưới 93 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018 đến nay, khi đồng bạc xanh mất giá mạnh so với hầu hết các loại tiền tệ khác.

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ suy thoái nặng nề vì đại dịch Covid-19, thâm hụt ngân sách tăng vọt trước các gói hỗ trợ khổng lồ cho nền kinh tế, cộng lãi suất thấp và chính sách bơm tiền ồ ạt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục được duy trì, đồng USD đã bị giới đầu tư bán tháo là điều có thể hiểu được. Theo giới phân tích, đồng tiền của nền kinh tế số một thế giới có thể còn tiếp tục yếu hơn, dù vẫn giữ vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu. Dù vậy, điều đó cũng không giúp đồng USD tránh được xu hướng suy yếu trong giai đoạn hiện nay.


Đà tăng có tiếp tục?

Nguồn cung ngoại tệ tiếp tục vượt trội cũng là yếu tố quan trọng kích thích sự tăng giá của tiền đồng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tuy kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 174,1 tỷ USD, tăng 1,6%, nhưng do nhập khẩu giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống 162,2 tỷ USD, nên cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 11,9 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, riêng tháng 8 ước tính xuất siêu đến 3,5 tỷ USD.

Trong khi đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân từ đầu năm đến ngày 20/8/2020 đạt 11,4 tỷ USD, tuy giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn là mức tương đối lớn trong nhiều năm qua. Ở đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư nước ngoài đã có 4.804 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị đạt 4,9 tỷ USD. 

Một số thông tin cho biết, trong tháng 8, NHNN đã mua vào xấp xỉ 2 tỷ USD để tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại hối, sau khi đã mua ròng 4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay. NHNN mua ngoại tệ trở lại vừa cung cấp thêm tiền đồng ra thị trường để hỗ trợ kéo lãi suất VND xuống, vừa để ngăn chặn nguy cơ tăng giá tiền đồng so với USD mà nếu để xảy ra sẽ ảnh hưởng lên lợi thế cạnh tranh hàng xuất khẩu, vốn đã chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh diễn ra từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của Bộ Tài chính Mỹ lại đưa Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ do đã vi phạm cả ba tiêu chí đặt ra của cơ quan này, gồm thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai hơn 2% GDP, chính phủ can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách mua USD hơn 2% GDP, và trong thời gian 12 tháng, chính phủ mua vào ngoại hối trong 6 tháng. Cũng theo Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam đã mua đến 22 tỷ USD trong năm 2019. 

Nhằm tránh rủi ro bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ, rất có thể NHNN sẽ hạn chế mua ròng ngoại tệ trong thời gian tới. Diễn biến này nhiều khả năng khiến sức ép VND tiếp tục mạnh lên so với USD, đặt ra thêm thách thức cho nền kinh tế vốn đang chịu nhiều khó khăn như hiện nay.

Mỹ Cảnh 
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595