Chuyển đổi số, doanh nghiệp vừa và nhỏ nên bắt đầu từ đâu?

TTGĐ - Đó là vấn đề đã được các chuyên gia giải đáp tại hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số và những điểm pháp lý quan trọng nhằm tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA” do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 26/8.


Bắt đầu từ đâu?

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC chia sẻ, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần quan tâm đầu tư cho chuyển đổi số vì điều này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Đối với Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực từ ngày 1/8, nếu doanh nghiệp không xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp thì không thể nắm bắt được cơ hội từ hiệp định này.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Viện Kinh tế Xanh, khẳng định chuyển đổi số là một quá trình tất yếu, nếu doanh nghiệp không làm thì sẽ bị tụt hậu và loại khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải bắt đầu tư đâu là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Theo ông Hoa, doanh nghiệp nên bắt đầu từ việc tiếp cận và làm quen với các hoạt động trên nền tảng số như thực hiện các hợp đồng số, khai báo hải quan điện tử, nộp thuế điện tử... Từ đó tiến tới chuyển đổi số mọi hoạt động của DN bằng cách thực hiện mọi hoạt động điều hành, vận hành doanh nghiệp trên máy tính thay vì sử dụng các văn bản giấy như trước đây. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng nên tiếp cận dần với các phần mềm số mới để có thể dễ dàng số hóa hoạt động của mình.

Trong làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ trên thế giới hiện nay, xuất khẩu trực tuyến là một xu hướng nổi bật. Cụ thể, tại Việt Nam, Amazon và Alibaba đều đang đẩy mạnh hoạt động thu hút các doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Theo dự báo, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3,3 nghìn tỷ USD trong 2 năm tới. Ngành logistics cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ, các doanh nghiệp đang chuyển đổi từ công ty logistics truyền thống sang công ty logistics thương mại điện tử.

Với thị trường châu Âu, các doanh nghiệp châu Âu đã đi trước Việt Nam 10 – 15 năm về công nghệ số. Toàn bộ giao dịch, hợp đồng, thanh toán, hóa đơn, hậu mãi... đều trên không gian số. Khi làm ăn với họ, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có năng lực số ngang bằng để có thể giao dịch.

Những lưu ý để tránh rủi ro

Ông Đinh Quang Thuận, Luật sư thành viên Công ty luật TNHH Global Vietnam Lawyers cũng cho hay, hiện hình thức giao kết hợp đồng điện tử được sử dụng khá phổ biến trên thế giới, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa áp dụng vì lo ngại rủi ro về giá trị pháp lý và bảo mật. Tuy nhiên, ông Thuận khẳng định, khi ký kết hợp đồng điện tử sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, hợp đồng được giao kết sẽ an toàn.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, doanh nghiệp không có điều kiện ký hợp đồng bằng chữ ký số, không có nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số mà chỉ có thể thực hiện hợp đồng qua file PDF hoặc các file hình. Khi đó, để giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp nên giao dịch thông qua các địa chỉ thư điện tử có tên miền riêng, được đăng ký rõ ràng và phải tìm hiểu đối tác cẩn thận, chọn đối tác có danh tiếng, có uy tín, có thông tin doanh nghiệp rõ ràng, có trang web cập nhật, sử dụng tên miền đăng ký riêng.

Doanh nghiệp cũng nên tham vấn ý kiến của chuyên gia, luật sư trước khi thực hiện để giúp bảo đảm an toàn hoặc giảm thiểu rủi ro trong giao kết hợp đồng điện tử. Tại hợp đồng cũng cần thỏa thuận để chọn tổ chức trọng tài uy tín, có nhiều kinh nghiệm giải quyết những vấn đề có thể phát sinh tranh chấp để làm cơ quan giải quyết tranh chấp.

Trong lĩnh vực logistics, các giao dịch điện tử cũng đối mặt với rủi ro về lừa đảo chứng từ nói chung và đối với những chứng từ liên quan đến sở hữu hàng hóa như vận đơn, lệnh giao hàng nói riêng.

Để phòng gian lận khi giao nhận lệnh giao hàng, LS. Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên VIAC, lưu ý hai bên cần thống nhất một số mật mã giao dịch cùng với khung thời gian giao nhận lệnh giao hàng qua máy tính kèm theo thông báo bằng điện thoại và xác nhận chấp nhận bản điện tử thay bản giấy sẽ tránh được rủi ro lừa đảo chứng từ khi áp dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, thực tế đã ghi nhận một số vụ việc lừa đảo theo hình thức yêu cầu chuyển vào tài khoản khác với lý do đề nghị giúp đỡ vì đang gặp khó khăn như bị kiểm toán, thay đổi ngân hàng... Để phòng tránh, theo ông Lễ, doanh nghiệp cần quy định địa chỉ email của hai bên, số tài khoản chuyển tiền trong hợp đồng. Khi có thay đổi, phải hỏi lại bằng điện thoại hoặc email khác để xác nhận trước khi chuyển tiền, không được hỏi lại bằng địa chỉ email mà họ yêu cầu thay đổi tài khoản vì bọn lừa đảo đã trực sẵn để trả lời.

Khánh Nguyễn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595