Mỹ tiếp tục 'giáng đòn' lên Huawei, đưa vào nhóm rủi ro "an ninh quốc gia"

TTGĐ - Sau khi bị đưa vào nhóm "rủi ro an ninh quốc gia", cả Huawei lẫn ZTE đều sẽ không thể xây dựng mạng viễn thông tại Mỹ.


Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) hôm 30/6/2020, chính thức đưa 2 tập đoàn Huawei và ZTE vào nhóm "đe dọa an ninh quốc gia" - động thái được cho là sẽ ngăn thiết bị mạng di dộng thế hệ thứ 5 (5G) Trung Quốc tham gia vào hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông Mỹ.

Theo Chủ tịch FCC Ajit Pai, cả Huawei cùng ZTE, cũng như các công ty mẹ, công ty liên kết lẫn công ty con, được xếp vào nhóm mối đe doạ an ninh quốc gia đối với hệ thống thông tin hiện tại và mạng 5G của Mỹ, dựa trên các bằng chứng mà FCC thu thập được. 

"Cả hai đều đang có mối quan hệ thân thiết với chính phủ Trung Quốc và bộ máy quân sự của Bắc Kinh. Họ đang buộc phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc và phải hợp tác với lực lượng tình báo nước này", vị Chủ tịch FCC nói.

Như vậy, Huawei lẫn ZTE sẽ không thể xây dựng mạng viễn thông tại Mỹ, và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cùng công ty công nghệ Mỹ sẽ không thể sử dụng nguồn trợ cấp từ chính phủ Mỹ thông qua Quỹ dịch vụ toàn cầu của FCC để mua các thiết bị hạ tầng của 2 tập đoàn này.

Được biết, Quỹ dịch vụ toàn cầu là chương trình trợ cấp cho các công ty viễn thông mua thiết bị và dịch vụ để tối đa hóa các truy cập viễn thông trong nước. Sau khi Huawei và ZTE bị đưa vào nhóm rủi ro an ninh, các công ty công nghệ Mỹ sẽ không được cấp phép để sử dụng khoản ngân sách thường niên từ 5 - 8 tỷ USD của Quỹ dịch vụ toàn cầu để mua hay hỗ trợ bất cứ thiết bị, dịch vụ nào do Huawei và ZTE cung cấp.

Động thái của FCC ngày 30/6 được xem như là bước đi kế tiếp trong nỗ lực hạn chế thiết bị công nghệ 5G do các công ty Trung Quốc sản xuất để tham gia vào hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ. Hiện, cả Huawei lẫn ZTE đều chưa bình luận về động thái vừa nêu. 


Trên thực tế, FCC đã bỏ phiếu nhất trí ngăn chặn các công ty viễn thông nội địa mua thiết bị mạng từ Huawei và ZTE từ tháng 11/2019. Tuy nhiên, lệnh cấm mới nhất có hiệu lực từ hôm qua. Và Huawei và ZTE từng nhiều lần phủ nhận cáo buộc bản thân là "mối đe dọa an ninh quốc gia" từ phía Mỹ.

Nhiều năm qua, chính phủ Mỹ đã nhiều lần cấm 2 tập đoàn Trung Quốc này vì lo ngại về các hoạt động gián điệp thông qua cơ sở hạ tầng mạng. Tháng 5/2019, Huawei cũng bị liệt vào Danh sách thực thể bị cấm. Đến đầu tháng 3/2020, Washington tiếp tục thông qua luật cấm các công ty viễn thông dùng dịch vụ của Huawei ở vùng nông thôn. Hiện, FCC cũng thiết lập một chương trình hỗ trợ cho các công ty "nói không" với công ty Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson cùng ngày cũng nhấn mạnh rằng, nước này cần bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia khỏi những "đơn vị cung cấp thù địch". Theo SCMP, tuyên bố của Anh thể hiện sự thay đổi trong quan điểm về Huawei tại châu Âu - nơi một số chính phủ đã nhận được đề nghị từ Mỹ về việc loại bỏ các nhà cung cấp Trung Quốc khỏi dự án 5G.

Dưới sức ép từ Mỹ, chính phủ Anh dần tỏ rõ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Tháng 1/2020, Thủ tướng Boris Johnson đã ra quyết định hạn chế vai trò của Huawei trong mạng lưới 5G tại Anh. Tuy nhiên, ông Johnson cũng cho biết: "Tôi sẽ không bị lôi kéo vào Chủ nghĩa Sinophobia (bài Trung Quốc) vì tôi không phải là người kỳ thị Trung Quốc".

"Quan điểm đối với Huawei rất đơn giản. Tôi muốn thấy cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của chúng tôi được bảo vệ đúng cách khỏi các nhà cung cấp thù địch. Vì vậy, chúng tôi cần phải có sự cân nhắc kỹ và đó là những gì chúng tôi sẽ làm", ông Johnson nhấn mạnh.


Thiên Long 
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595