Miliket “vượt bão” dịch Covid-19 ngoạn mục

TTGĐ - Từng là “huyền thoại” nhưng hiện tại mì ăn liền Miliket của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket (Miliket) an phận với vị trí rất nhỏ bé trên thị trường. Nhưng có lẽ chính vì vậy mà Miliket “vượt bão” dịch Covid-19 ngoạn mục trong khi đối thủ lớn như Masan lao đao trên sàn chứng khoán.

Từ thời bao cấp, sản phẩm mì ăn liền hai tôm Miliket đã làm “chủ sân”. Ngày đó, không có thống kê thị trường nhưng các chuyên gia đều cho rằng Miliket phải nắm giữ 99% thị phần. Đánh giá này không hề quá khi Miliket luôn là sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình từ Nam ra Bắc.

Nhưng khi nền kinh tế mở cửa, Miliket không “đấu nổi” với ông lớn ngoại Vina Acecook. Vina Acecook là công ty của Nhật Bản, quê hương của mì gói. Vina Acecook đang đứng đầu thị trường với sản phẩm Hảo Hảo thuộc phân khúc bình dân. Ngoài ra, ngày càng nhiều đối thủ tranh chấp từng % thị phần nhỏ hẹp. Một vài cái tên có thể nổi lên trong suốt thập kỷ qua có thể kể đến như Asia Foods và Masan.

Kinh Đô cũng quyết tâm lấn sân sang mảng mì ăn liền với thương hiệu Đại Gia Đình nhưng cho đến nay, sản phẩm của ông vua bánh kẹo một thời đã mất hút trên thị trường. Vinfon thì yên ổn ở mảng bún khô, phở khô. Miliket vẫn trung thành với phân khúc mì ăn liền giá rẻ và vẫn giữ nguyên nhận diện thương hiệu mì hai tôm.

Trong vài năm trở lại đây, dù được nhiều siêu thị đón nhận hơn nhưng do áp lực quá lớn từ các đối thủ, Miliket tạm bằng lòng với thị phần loanh quanh mốc 2%. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng trưởng lợi nhuận của Miliket rất khiêm tốn, chỉ qua mốc 30 tỷ đồng mỗi năm. Và công ty thường đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận dưới 20%/năm.

Để đạt được mục tiêu đó, Miliket hạn chế chi tiêu. Lương cho dàn lãnh đạo công ty đứng ở mức thấp và “bất biến” qua thời gian. Lương Chủ tịch HĐQT chỉ là 12 triệu đồng/tháng, tương đương 144 triệu đồng/năm. Thù lao dành cho các thành viên HĐQT chỉ là 10 triệu đồng/người/tháng, tương đương 120 triệu đồng/năm.

Dù công nghệ và bao bì không thay đổi sau nhiều năm nhưng Miliket vẫn chi rất ít cho quỹ đầu tư phát triển. Ngân sách này chỉ dao động trên dưới 5 tỷ đồng mỗi năm. Có vẻ như Miliket bằng lòng với vị thế hiện tại của mình.


Nhưng có lẽ do mang thân phận tí hon nên trong dịch Covid-19 này, Miliket có vẻ “an toàn” hơn các đối thủ khổng lồ. Mà chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, dễ nhìn thấy nhất chính là CTCP Tập đoàn Masan với cổ phiếu MSN đang giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Masan là ông lớn ngành tiêu dùng, ngành hàng được cho là hưởng lợi khá nhiều khi có dịch bệnh. Đây là nhận định có căn cứ vì Masan cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân trong khắp cả nước. Khi có dịch bệnh hay khủng hoảng, người dân có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ để dành tiền cho hàng tiêu dùng.

Thế nhưng, dù tốc độ sụt giảm của cổ phiếu MSN của Masan thấp hơn rất nhiều mã khác như VJC hay HVN trong ngành hàng không nhưng MSN cũng bị mất mát. So với phiên cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019, MSN đã giảm 3.400 đồng/cổ phiếu. Điều đó khiến vốn hóa thị trường của Masan giảm 3.974 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ đông của Miliket lại chứng kiến điều ngược lại. Hiện tại, cổ phiếu CMN của Miliket đã đạt tới 60.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn cả thị giá của MSN sau khi tăng 20.800 đồng/cổ phiếu, tương đương 59%. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Miliket có thêm 99,84 tỷ đồng.

Và đây không phải niềm vui duy nhất của cổ đông Miliket. Bên cạnh việc thị giá không ngừng tăng trong nghịch cảnh, Miliket còn duy trì chính sách cổ tức cao suốt thời gian dài. Cụ thể, năm 2018, Miliket đã chi 15,84 tỷ đồng, tương đương 33% để chi trả cổ tức cho cổ đông. Điều đáng nói, cổ tức của công ty là tiền tươi thóc thật. Sang năm 2019, Miliket duy trì mức cổ tức này. Điều đó cho thấy, đôi khi bằng lòng với vị trí khiêm tốn của mình cũng đã là một thành công.


Thiên Long
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595