Báo Cáo Lương 6 tháng đầu năm 2018 của JobStreet.com Việt Nam

TTGĐ - Dữ liệu 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy sự gia tăng mức lương ở 4 cấp bậc vị trí so với toàn năm 2017 dẫn đến mặt bằng chung mức lương tối thiểu tăng từ $225 lên $250. Trong đó, cấp bậc mới tốt nghiệp, cấp bậc nhân viên, cấp bậc quản lý và đặc biệt là quản lý cấp cao tăng lần lượt là 11%, 6%, 7% và 30%. Mức tăng lương tại cấp bậc quản lý cấp cao là một điểm nổi bật trong năm 2018 vì mức lương cho cấp bậc này không có sự thay đổi nào trong suốt hai năm 2017 và 2016.


Với sự bùng nổ của các công ty công nghệ thông tin, nhà tuyển dụng đang có nhu cầu cao cho nguồn nhân sự quản lý cấp cao vốn dĩ đang thiết hụt tại thị trường Việt Nam. Thêm vào đó, dựa trên Khảo sát chỉ số hạnh phúc của nhân viên từ JobStreet.com, vị trí quản lý cấp cao đang khá hài lòng với công ty hiện tại, tuy nhiên mức lương là một trong những nhân tố khiến họ cân nhắc để thay đổi công việc. Do đó, để thu hút cấp bậc này thì nhà tuyển dụng có xu hướng đề nghị mức tăng lương cao hơn so với mức tăng ở các cấp bậc nhân viên.

Khoảng lương hiện tại của vị trí Chuyên viên giảm 27% so với năm 2017 riêng khối ngành Công nghệ thông tin/ Máy tính – Phần mềm tăng 3%. Do đó nhà tuyển dụng gặp nhiều khó khăn hơn để tuyển được những ứng viên có kỹ năng phù hợp, theo Báo cáo triển vọng việc làm của JobStreet.com có đến 47.95% nhà tuyển dụng đồng tình với nhận định này. Đặc biệt, khoảng lương trung bình của các mẩu tin tuyển dụng cho vị trí này ở các công ty nước ngoài đã giảm 21% so với năm 2017. Ngoài ra, trong năm 2018 có 18.67% nhà tuyển dụng cho biết ngân sách công ty hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, do đó với rủi ro về hiệu quả tuyển dụng của vị trí này, nhà tuyển dụng có thể chọn lựa một trong hai cách sau để tiết kiệm ngân sách: tuyển một vị trí thấp hơn để đào tạo lên cấp bậc Chuyên viên hoặc tuyển vị trí Chuyên viên với mức lương thử việc thấp hơn mức lương thực tế.

Nền kinh tế đang càng ngày càng phát triển với sự tăng trưởng của FDI (35,46 tỷ USD tương đương với 98.8% so với năm 2017 và ước tính giải ngân là 19.1 tỷ USD, tăng 9.1% so với năm 2017 – theo Bộ kế hoạch và Đầu tư). Trong đó, Dịch vụ Luật/ Pháp lý, Bất động sản và Công nghệ thông tin/ Máy tính là top 3 ngành trả lương cao cho hầu hết các cấp bậc vị trí.  

Khoảng lương cho Dịch vụ Luật/ Pháp lý dao động từ $383 đến $4,125, tăng 1% so với năm trước. Theo Báo cáo của trung tâm dự báo nguồn nhân lực, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần ít nhất 20,600 nhân lực trong lĩnh vực này nhưng hiện tại hằng năm chỉ có khoảng 3,500 - 4,000 sinh viên ngành luật tốt nghiệp. Điều này đã và đang dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trên thị trường tuyển dụng.
Lĩnh vực Bất động sản dao động từ $378 đến $1324, tăng 9% so với năm trước. Dựa theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký của lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 6.6 tỷ USD trong năm 2018, chiếm 18.6% trên tổng vốn đầu tư và xếp thứ 2 trong 18 lĩnh vực được đầu tư. Mặc dù lĩnh vực đứng đầu là Công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng yêu cầu nhân lực của ngành nghề này sẽ bao gồm lao động phổ thông do đó khoảng lương tối thiểu khởi điểm từ $277 và thấp hơn so với ngành bất động sản. Đi cùng với sự tăng trưởng này là sự cạnh tranh cao về mức lương để thu hút ứng viên trong cuộc chiến tìm kiếm nhân tài.

Lĩnh vực Công nghệ thông tin/ Máy tính dao động từ $296 đến $759, tăng 21% so với năm trước. Đầu tiên, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhu cầu cho ngành Công nghệ thông tin/ Máy tính đến năm 2020 lên đến hơn 1 triệu lao động nhưng hiện tại chúng ta đang thiếu hụt gần một nửa. Tiếp đến, sự phát triển của công nghiệp 4.0 đã tạo ra cơn khát nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo báo cáo của Topica Founder Institute (TFI), lượng đầu tư khởi nghiệp tăng lên gấp 3 lần so với năm 2017 trong đó Top 3 ngành được đầu tư nhiều nhất đều liên quan đến công nghệ thông tin. Do đó Công nghệ thông tin/ Máy tính đang thiếu hụt nguồn cung về cả chất lượng lẫn số lượng.

So sánh với một số quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia, tín hiệu đáng mừng là Việt Nam đang thu hẹp khoảng chênh lệch lương với Singapore và Indonesia (trừ cấp bậc Chuyên viên). 

Đối với các vị trí nhân viên, nhà tuyển dụng Malaysia đang đề nghị mức lương cao hơn Việt Nam so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên với các vị trí Quản lý/ Trưởng phòng và Quản lý cấp cao, Việt Nam ghi nhận mức tăng lương đáng kể (Quản lý/ Trưởng phòng tăng 7%, Quản lý cấp cao tăng 30%) do nhu cầu tăng cao, vì vậy khoảng chênh lệch lương tại các cấp bậc này so với Malaysia đã thu hẹp hơn so với năm 2017.

Một ngạc nhiên khác đến từ quốc gia láng giềng -Thái Lan với sự gia tăng khoảng chênh lệch lương so với Việt Nam ở tất cả các cấp bậc so với năm ngoái.

Nhìn chung, năng suất lao động toàn nền kinh tế trong năm 2018 là 102 triệu đồng/lao động, tăng tương đương 8,8 triệu đồng/lao động so với năm 2017 – theo bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mức lương tối thiểu của Việt Nam được ghi nhận tăng lên ở cả 4 cấp bậc vị trí và rút ngắn khoảng chênh lệch so với Singapore (quốc gia có thu nhập trung bình cao nhất khu vực) và tăng trưởng vượt trội so với Indonesia (quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhất khu vực). Thông tin này giúp các nhà tuyển dụng cân nhắc chiến lược tiền lương để giữ chân nhân tài và săn đón ứng viên chất lượng, bao gồm cả người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần không ngừng cải thiện kiến thức và kỹ năng để nắm bắt cơ hội việc làm không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các quốc gia Đông Nam Á khác. 

Dựa trên bảng Báo cáo lương 6 tháng đầu năm 2018, nhà tuyển dụng đang sẵn sàng chi trả mức lương cao hơn để tuyển được những ứng viên tài năng, đặc biệt ở cấp bậc Quản lý cấp cao với mức lương lên đến $3,564. Mặt khác, ở cấp bậc Chuyên viên, mặc dù nhu cầu nhân sự vẫn cao nhưng khoảng lương đề nghị từ các công ty lại giảm so với năm 2017, dẫn đến việc tuyển dụng vị trí này trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, dù khoảng lương ở Việt Nam đã rút ngắn so với Singapore và vượt hơn Indonesia nhưng khoảng cách lương với các quốc gia phát triển trong khu vực vẫn là điểm thu hút lớn đối với những ứng viên đang có mong muốn làm việc tại nước ngoài. Vậy thì chiến lược trọng điểm nào để giữ chân và tuyển dụng nhân tài? Đầu tiên là nhà tuyển dụng cần phải tiếp cận ứng viên một cách hiệu quả trong bối cảnh đang có sự gia tăng các hoạt động của thị trường việc làm thông qua các cổng thông tin việc làm trực tuyến so với năm 2017. Thứ hai, bên cạnh lương, nhà tuyển dụng nên tạo ra thế mạnh bằng việc cung cấp cho người lao động Việt Nam những lợi ích khác đang được ứng viên mong đợi như: Chăm sóc y tế cho gia đình (47%), Hỗ trợ di chuyển (46%) và Trợ cấp thuê/ mướn nhà ở (40%).

Sự gia tăng của các công ty nước ngoài, công ty khởi nghiệp và sự chuyển đổi đến từ công nghệ 4.0 mở ra cho ứng viên nhiều lựa chọn việc làm hơn trước đây. Tất nhiên, khoảng lương và phúc lợi sẽ cao hơn nhưng đồng thời mức độ cạnh tranh để gia nhập công ty với chính sách tốt cũng khắc nghiệt không kém. Dịch vụ Luật/ Pháp lý, Bất động sản và Công nghệ thông tin/ Máy tính là một trong những ngành nghề đang được trả lương cao nhất.

Thực tế, mặc dù năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên nhưng vẫn có tới 47.95% nhà tuyển dụng đồng ý rằng thật khó để tuyển được những ứng cử viên có kỹ năng phù hợp. Vậy, làm thế nào để nắm bắt cơ hội và đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng ở cả thị trường Việt Nam và khu vực? Tiếng Anh sẽ là điều bắt buộc cùng với việc học thêm những kiến thức và kỹ năng mới để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ thông tin. Đồng thời luôn luôn cập nhật và tham khảo thông tin thị trường để chắc chắn rằng bản thân sẽ vẫn phù hợp với những thay đổi về yêu cầu từ nhà tuyển dụng.

Nguyên Khánh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595