Reed Tradex phối hợp tổ chức sự kiện "Supporting Industry Show 2018”

TTGĐ - Ngày 26 tháng 7, Reed Tradex – nhà tổ chức“METALEX Vietnam”đã ký kết hợp tác cùng Tổ chức Xúc Tiến Thương Mại Nhật Bản (JETRO), TP. Hồ Chí Minh, cũng như Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) và Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh (CSID) để tổ chức "Supporting Industry Show 2018” với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ giữa các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy các ngành sản xuất trụ cột như điện tử và ô tô tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.


Gần đây, Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư. Tại buổi họp báo ngày 26 tháng 7 vừa qua, ông Suttisak Wilanan, Phó Giám đốc, công ty Reed Tradex đã trích dẫn một số tín hiệu khả quan về nền kinh tế Việt Nam “Năm vừa qua, Việt Nam đã chuyển dịch 5 bậc lên vị trí thứ 55 trong bảng xếp hạng Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF); đồng thời được Ngân hàng thế giới đánh giá ở vị trí 68 trên bảng xếp hạng Chỉ số thuận lợi kinh doanh (EBDI) năm 2018, tăng 31 bậc kể từ 2014. Đồng thời, với mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam cung cấp một chuỗi giá trị cao cho các nhà công nghiệp tại thời điểm này. Những hiệp định này đã giảm đáng kể những trở ngại về thuế quan, mở rộng cánh cửa thu hút rộng rãi các nguồn đầu tư nước ngoài”.

Cùng ý kiến trên, đại diện từ Tổ chức Xúc Tiến Thương Mại Nhật Bản (JETRO), TP. Hồ Chí Minh, ông Takimoto Koji – Trưởng đại diện chia sẻ thêm “Tổng mức đầu tư đã đăng ký từ Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục tăng đáng kể. Năm 2016 sang 2017, tổng mức đầu tư đã đăng ký tăng vượt bậc từ 2.150 triệu USD lên 8.640 triệu USD; trong đó, số lượng đăng ký đầu tư mới tạo một con số ấn tượng từ 1.182 triệu USD lên 7.746 triệu USD. 70% các công ty Nhật Bản phản hồi tích cực sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Đây là chỉ số cao nhất trong dánh sách 6 quốc gia nằm trong bảng khảo sát, bao gồm Philippine, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.”

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2018 bứt phá mạnh, tăng 11,6% - đạt mức tăng trưởng cao nhất trong ba gần đây. Ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng trưởng liền mạch ở mức 13,9%, trong đó điện tử vẫn giữ vị trí ngành then chốt. Bên cạch đó, ngành công nghiệp ô tô có những tín hiệu tích cực, các công ty trong nước cũng như FDI đang tập trung thiết lập kế hoạch kinh doanh mới để thích ứng với việc miễn giảm thuế nhập khẩu xuống 0% vào đầu năm nay. 


Tại lễ họp báo, Ông Suttisak Wilanan bày tỏ cái nhìn lạc quan về sự trở lại đầy sôi động của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, dẫn chứng với dự án sản xuất ô tô “Made in Vietnam” đầu tiên bởi Vinfast - công ty con của Vingroup, đã đầu tư và hợp tác với công ty thiết kế hàng đầu của Ý là Pininfarina và công ty xe hơi hạng sang của Đức là BMW cho dự án này. Đồng thời, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng đã khánh thành nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất và hiện đại nhất ở Đông Nam Á vào tháng 3 năm ngoái với tham vọng thống trị ngành công nghiệp ô tô.

Ông Suttisak Wilanan nhấn mạnh rằng “Hơn bao giờ hết, các hãng ô tô cần kết hợp chặc chẽ hơn với các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ để cung cấp những linh kiện thiết yếu cho quá trình mở rộng sản xuất”. Ông chia sẻ thêm “Một chiếc ô tô được cấu thành bởi hơn 30,000 linh kiện, một quốc gia riêng biệt hầu như không thể tự cung ứng được tất cả số linh kiện này. Vì lý do này, các nhà đầu tư có xu hướng thành lập các nhà máy vệ tinh xung quanh trụ sở sản xuất chính, tại các quốc gia láng giềng. Việt Nam có một vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực ASEAN với nhiều cảng biển lớn. Việt Nam có nhiều cơ hội để hợp tác với các nhà sản xuất xe hơi của Thái Lan và Indonesia để thiết lập một cụm công nghiệp phát triển bền vững cho ngành công nghiệp ô tô.” 


Thêm vào đó, Ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) chia sẻ thêm tại lễ họp báo “Theo số liệu từ Bộ Công thương, tổng số doanh nghiệp hiện đang tham gia vào lĩnh vực CNHT là 661 doanh nghiệp (trong đó: 591 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, 56 doanh nghiệp sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi, 14 doanh nghiệp sản xuất băng, đĩa từ và quang học). Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp nội địa thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của ngành điện tử đã và đang là nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI không nhiều. Một phần do hạn chế của nội tại của các doanh nghiệp, mặt khác, do sự hiểu biết giữa hai phía còn hạn chế, việc kết nối giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa là hết sức cần thiết”.

Với lý do này, Reed Tradex sẽ hợp tác cùng JETRO, ITPC, và CSID để đồng tổ chức triển lãm “Supporting Industry Show 2018”. Sự kết hợp này sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam, yếu tố quan trọng để gia tăng sự cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ. Ông Takimoto Koji chia sẻ “Tỷ lệ nội địa hóa (LPR) của Việt Nam vào năm 2017 là 33.2%, thấp nhất trong số 6 quốc gia được khảo sát. Do đó, với triển lãm “Supporting Industry Show 2018”, chúng tôi đặt mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối các doanh nghiệp tham gia để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.”

Theo thông tin chia sẻ từ Ông Takimoto Koji, để tại nên “mối quan hệ win-win” giữa Việt Nam và Nhật Bản tại “Supporting Industry Show 2018”, sẽ có 18 công ty lớn đến từ Nhật Bản sẽ tham gia với tư cách “Người Mua Hàng – Buyer”. 30 công ty Việt Nam sẽ tham dự như “Nhà cung cấp – Supplier”, được hỗ trợ bởi ITPC và CSID. 


Tham gia vào “Supporting Industry Show 2018” là một trong những kế hoạch trong chiến lược thực hiện định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) giai đoạn 2015-2020 và 2021 – 2025 của ITPC. Theo Bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC), định hướng này bao gồm 3 điểm. Thứ nhất, hình thành được mạng lưới sản xuất nội địa đáp ứng được yêu cầu sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nội địa và tham gia hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hai, thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào CNHT đòi hỏi công nghệ cao tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất cung cấp các sản phẩm CNHT theo hướng thay thế nhập khẩu và nâng cao giá trị gia tăng.

“Ngành công nghiệp cơ khí tại TP. Hồ Chí Minh đang có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, với chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 7.9% giai đoạn 2016-2017. Năm nay, CSID sẽ phối hợp chặt chẽ với JETRO để hỗ trợ các nhà sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh tham gia the “Supporting Industry Show 2018”. Đây là cơ hội tốt để họ mở rộng năng lực cung ứng, kết nối với các đối tác trong và ngoài nước, cũng như chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.”  Bà Lê Nguyễn Duy Oanh – Phó Giám Đốc, Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh (CSID) cho biết. 

"Supporting Industry Show 2018” sẽ được tổ chức vào ngày 11-13 tháng Mười, 2018 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Cùng ngày, “METALEX Vietnam 2018" sẽ tập hợp và giới thiệu 500 thương hiệu với các giải pháp gia công kim loại mới nhất từ hơn 25 quốc gia. Chương trình cũng hứa hẹn mang đến một nền tảng sản xuất toàn diện với sự kiện “NEPCON Vietnam 2018” để cung cấp công nghệ và giải pháp cho ngành điện tử. 

Nguyên Khánh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595