Lê Trí: "Tôi thực tế chứ không thực dụng, hai nghĩa đó khác nhau hoàn toàn"

(TTGĐ) - Từ bỏ sự nghiệp khi đang trên đường phát triển tại TP.HCM Lê Trí, một đạo diễn – bầu show lâu năm quyết định quay về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình Đà Nẵng để quay lại vạch xuất phát. Tại quê nhà, con đường sự nghiệp nghệ thuật của anh hầu như gắn liền với những dự án mang tính cộng động hơn là lợi nhuận. Vì đâu anh chàng này lại có những quyết định như vậy,hôm nãy hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của anh ấy nhé!


Anh được biết đến với một đạo diễn, bầu show lâu năm tại TP HCM, vì lí do gì anh lại quyết định lập nghiệp tại Đà Nẵng, bỏ lại thị trường tiềm năng bậc nhất cá nước như Sài Gòn?

Thật ra mà nói, không ai muốn chọn cho mình một con đường gian truân, trở ngại và nhiều thử thách cả, tôi cũng vậy, sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng nhưng gần như sự nghiệp của mình đã gắn liền với TP.HCM từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, vì những năm gần đây, gia đình tôi có nhiều chuyện xảy ra nên tôi muốn về nhà để quán xuyến mọi thứ. Một phần là để chăm lo cho mẹ tuổi đã cao, phần khác cũng muốn thay đổi môi trường làm việc, thay đổi chính mình cũng như tìm chút cảm hứng mới mẻ trong công việc nghệ thuật đòi hỏi tính sáng tạo cao.

Anh Lê Trí đang trao đổi với truyền thông trong một buổi họp báo.

Thật ra tôi cũng tiếc và hơi lo lắng khi quyết định từ bỏ TP.HCM để về quê lập nghiệp khi mà cái tuổi không còn quá trẻ nữa. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, mình có đam mê, có nhiệt huyết và hơn thế nữa là tôi có niềm tin vào Tổ Nghiệp. Có thể sẽ hơi mới mẻ, hơi chật vật đôi chút như cách mà tôi thay đổi môi trường sống vậy nhưng tôi tin mình sẽ ổn.

Thời gian qua, công chúng và nhiều anh chị em nghệ sĩ khá tò mò khi thấy anh liên tục cho ra mắt những dự án nói về thiện nguyện mang tính cộng đồng, anh định chuyển hướng con đường hoạt động nghệ thuật của mình chăng?

Đó là ước nguyện và cũng là tâm niệm làm nghề của tôi từ lâu lắm rồi, từ những ngày mới tập tành làm nghệ thuật cơ. Tuy nhiên, vì vòng xoáy của cơm áo gạo tiền, áp lực cuộc sống nên tôi chưa có cơ  hội thực hiện nó một cách trọn vẹn như mình từng muốn. Sẵn đây, về lại quê nhà - nơi từng cưu mang mình tôi mong muốn làm một điều gì đó cho quê hương, góp 1 chút sức nhỏ cho ngành nghệ thuật đà nẵng.

Thời gian qua Lê Trí hoạt động các dự án thiện nguyện khá rầm rộ.

Thật ra, rất khó để nói làm dự án thiện nguyện kết hợp với nghệ thuật là một cái nghề, đó là một cái nghiệp thì đúng hơn. Tôi chỉ muốn đem những cái mình có, những vốn sống hiện tại và kết hợp với mọi người để cho ra những dự án văn hóa kết nối mọi người lại với nhau thôi. Và không có cách nào khác chính là dùng âm nhạc để hòa nhịp cùng với những tấm lòng để mang yêu thương đến với những mảnh đời còn lắm những khó khăn. Con đường nghệ thuật mà tôi đang đi có thể sẽ không thật sự phù hoa, không thật sự rạng rỡ về mặt danh vọng nhưng đó cũng là niềm mong ước của tôi muốn chia sẻ yêu thương đến với mọi người.

Theo anh nhận định, môi trường hoạt động nghệ thuật tại Đà Nẵng và TP.HCM có gì khác nhau? Anh có nghĩ mình sẽ phát triển một cách bền vững tại thị trường Đà Nẵng không?

Khác nhiều lắm chứ, chỉ cần chúng ta so về mức sống lẫn sự phát triển tổng thể của hai thành phố này cũng đủ thấy sự khác biệt rồi. Có thể nói, cái đầu tiên mà bản thân tôi cũng như mọi người sẽ cảm nhận đó chính là sự thiệt thòi. Thiệt thòi ở đây không phải là toan tính mà chính là cơ hội phát triển với nghề bởi ai cũng biết TP.HCM là trung tâm văn hóa của cả nước, ở đó có đủ các yếu tố để phát triển một cách tốt nhất, đặc biệt là con người. Riêng Đà Nẵng thì điều đó còn một chút thua kém. Về truyền thông, về sự tổng thể, mức độ đầu tư quan tâm của dân chúng, dư luận…nhiều lắm…


Nhưng cũng như tôi đã nói, tôi đã lường trước được mọi thứ và một khi quyết định thì tôi cũng chấp nhận mọi rủi ro ấy. Đối với tôi, hối hận là khi không dám thử, còn một khi đã thử thì không còn gọi là hối hận mà đó là sự trải  nghiệm, thử thách chính mình. Tôi không dám hứa hẹn hoặc tuyên bố điều gì nhưng hiện tại Trí thấy mình rất hào hứng với công việc hiện tại, cảm thấy bản thân có nhiệt huyết với mảnh đất này lắm.

Khó khăn và thử thách của anh khi quyết định về lập nghiệp tại Đà Nẵng là gì? Anh có được sự ủng hộ và chung tay của các đồng nghiệp tại đây?

Như tôi đã nói, ở một nơi cái gì cũng mới mẻ và bắt đầu gần như là con số không thì đó là một thử thách rồi. Nhưng thử thách thì tôi cũng sẽ cố vượt qua vì đó là quyết định của mình, tôi sẽ có trách nhiệm và chịu trách nhiệm với bản thân với quyết định đó. Ở đây, xét về mọi thứ đều khó khăn, từ nhân lực, tài chính, môi trường làm việc… nhưng cũng không đáng kể, tôi tin là chúng không là vấn đề đối với tôi, ít nhất là trong thời điểm này.

Nụ cười rạng rỡ của Lê Trí bên cạnh một cụ bà mà anh có dịp tiếp xúc khi đi làm từ thiện.

Điều mà tôi may mắn có được chính là sự ủng hộ nhiệt tình của đồng nghiệp và tất cả các cấp chính quyền. Đối với một người làm dự án cộng đồng thì điều đó quan trọng hơn tất cả vì dĩ nhiên, một mình tôi sẽ không đủ sức đảm nhận hết mọi khâu trong một tổng thể dự án. Mỗi người mỗi việc, tuy nhiên tôi vẫn còn một vài trăn trở khi tư duy và mục đích làm nghề của mình chưa thật sự được một vài cá nhân thấu hiểu, thấu hiểu một cách chính xác về mục đích và ý nghĩa của việc làm đó.

Thời gian qua, dư luận khá bất an với các dự án mang tính thiện nguyện vì thiếu sự minh bạch, anh có sợ điều đó sẽ xảy ra với mình không?

Dư luận thì ở đâu cũng có, ở đâu cũng nhiều và bất cứ ngành nghề nào cũng sẽ phát sinh, với riêng những dự án, chiến dịch mang tính cộng đồng thì điều đó các mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiều mâu thuẫn, nhiều sự ngờ vực và nhiều điều rất nhạy cảm khó nói. Tôi quyên góp tiền, và dùng số tiền đó để chi trả cho các hoạt động của dự án nên ít nhiều sẽ gây ra nhiều sự chú ý và tạo thành nhiều luồng ý kiến, có khen có chê, đó như một quy luật vậy. Dù tôi có nói không sợ thì điều đó cũng sẽ xảy đến với tôi vì bao đời nay, tư duy ấy đã hằn sâu trong tâm trí của mỗi người rồi. Dù bạn có làm thật tốt, minh bạch và nhiệt tình thì ít nhiều cũng sẽ vấp phải một vài ý kiến so sánh, tò mò.

Anh có thường xuyên rơi vào tình cảnh ấy không? Nếu có anh sẽ xử lý thế nào?

Đối với tôi, mọi người cũng không còn quá xa lạ về những việc mình làm nên điều đó cũng không phải là thường xuyên. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều thì bản thân tôi cũng đã gặp phải trường hợp ấy và tôi cũng đã tập quen với nhiều luồng thông tin rồi (cười). Thật ra, đối với những chuyện nhạy cảm như thế nếu ta càng thanh minh, càng chống chế thì mọi sự nghi ngờ sẽ càng gia tăng, đó là một thực tế đấy. Kiểu như mọi người đang nhìn vào bạn và nói: “Đang tỏ ra vô tội ư”.

Theo Lê Trí, làm từ thiện cũng là một cách tự giúp mình bằng một hình thức nào đó...

Những lúc gặp phải tình huống ấy tôi sẽ nổ lực gấp đôi, thực hiện công việc bằng 200% năng lực, điều đó giúp tôi tự tin hơn với chính mình. Bằng năng lực và hiệu quả của công việc tôi nghĩ người ta sẽ cảm nhận được mức độ nhiệt tâm với nghề của tôi. Chỉ có như vậy mới khiến người ta bị thuyết phục mà mình cũng không mang tiếng kém cỏi, thủ đoạn. Chính sự nổ lực của tôi và những người cộng sự nhiệt huyết sẽ nói lên tất cả thay vì những lời thanh minh sáo rỗng.

Anh nghĩ sao về việc làm từ thiện cũng có hai mục đích là ủng hộ cộng đồng và mang lại lợi ích cho chính bản thân mình?

Cái đó là hiển nhiên, không chỉ làm từu thiện mà ở bất cứ công việc nào. Khi người ta cảm thấy mình có quyền lợi dù trên tinh thần hay vật chất thì họ mới cống hiến, nổ lực hết mình để đấu tranh vì quyền lợi của chính mình. Tôi nói vậy không có nghĩa là tôi thực dụng, toan tính và mưu đồ cá nhân dựa trên danh nghĩa mang tính thiện nguyện. Tôi chỉ muốn nói, chúng ta cần nhìn một cách công tâm, đa chiều và đầy đủ khía cạnh khi đánh giá vấn đề từ thiện vì xét cho cùng, ai cũng có cuộc sống và hoài bão riêng, chỉ là mục đích để đạt được điều đó chân chính hay hèn hạ mà thôi.

Tôi có tâm niệm, có hoài bão nhưng tôi cũng cần phải sống cho cuộc sống thực tế hiện tại. Tôi không thể chỉ mãi hô hào và rỗng tuếch, rồi chương trình, những số phận cần giúp đỡ sẽ lấy gì để trang trải qua ngày đây. Vấn đề ở đây, chúng ta thường bị nhầm lẫn giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng trong hai chừ từ thiện. Từ thiện cũng có nhiều dạng lắm, cho, tặng hoặc là cộng hưởng của cả hai cái đó. Có thể tôi không lấy được lợi nhuận hoặc tiền từ các dự án ấy nhưng đổi lại tôi có được sự tin tưởng, có được cái nhìn khách quan của dư luận, khán giả… và điều đó chính là “tài sản “ để tôi có thêm điều kiện nuôi sống sự nghiệp nghệ thuật của mình.

Định hướng sắp tới của anh trong công việc là gì, anh có tiếp tục đẩy mạnh các dự án hiện tại không?

Hiện tại, tôi vẫn đang cố gắng hoàn thành dự án Đừng để con một mình, một chương trình tôi khá tâm huyết thời gian qua. Tôi vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh con đường hoạt động nghệ thuật song song với các dự án mang tính thiện nguyện, cộng đồng và xã hội. Trong tương lai, tôi tiếp tục tìm mạnh thường quân và các ý tưởng mới để nâng cấp các chương trình có ý nghĩa tương tự. Ngoài ra, tôi cũng đang tất bật chăm lo cho công việc của mình bên cạnh các dự án nghệ thuật. Hiện tại, tôi đang là chuyên viên Marketting cho 1 ảnh viện áo cưới lớn của Đà Nẵng và đồng thời cũng là quản lý của Phòng Trà Tiếng Dương Cầm lâu đời tại đây.

Cảm ơn anh về cuộc chia sẻ thẳng thắng này, chúc anh sẽ luôn vững tin trên con đường mình đã chọn.

Tiểu cảnh 
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595