Người nước ngoài ở Châu Á săn lùng Trường quốc tế bình dân

TTGĐ - Người nước ngoài làm việc tại Châu Á không còn được hưởng chế độ như trước đây. Trước cuộc khủng hoảng tài chính, nhân viên của các công ty đa quốc gia lớn tại Singapore, Kuala Lumpur hay Tp. Hồ Chí Minh sẽ nhận được phụ cấp nhà ở và học phí cho con cái của họ. 

Chế độ này đã biến mất trong một thập kỷ qua, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự suy giảm của các tập đoàn dầu khí trong khu vực. Nhằm đáp ứng nhu cầu hạn hẹp ngân sách, các trường quốc tế bình dân đang mọc lên khắp Đông Nam Á. 

Đối với các nhà đầu tư, điều này nghĩa là đang có nhiều "lộ trình vào thị trường giáo dục quốc tế của châu Á hơn bao giờ hết", Noeleen Goh, Giám đốc đầu tư thay thế tại JLL cho biết. "Nó thực sự đang được thúc đẩy bởi sự gia tăng của các mức học phí bình dân." 


Những trường học đắt tiền – có thương hiệu từ Anh hoặc Mỹ - có lịch sử thống trị lâu dài tại Đông Nam Á. Tại Singapore, các trường tiểu học quốc tế cao cấp có mức học phí lên đến 40.000 SGD (~29.800USD) mỗi năm. 

Trái với những thị trường khác, người dân Singapore không thể cho con của mình theo học các trường mẫu giáo quốc tế, nghĩa là những trường này chỉ dành riêng cho người nước ngoài. Nhưng các gói tài chính không còn hỗ trợ, người nước ngoài cũng tìm kiếm những ngôi trường có mức học phí bằng một nửa. 

Ban Phát triển Kinh tế Singapore đã cho đấu thấu những quỹ đất dành để phát triển trường học hoặc tiện nghi trường học cho thuê, và cấp giấy phép hoạt động khi trường muốn mở rộng chi nhánh để đáp ứng đủ diện tích cho học sinh. 

Gần đây, chính phủ Singapore cũng đưa ra các chính sách nhằm duy trì mức học phí phải chăng này. Lấy ví dụ là hai đợt đấu thầu khuôn viên trường cho thuê tại Pioneer Road và Tampines yêu cầu các đơn vị tham gia phải cam kết mức học phí toàn phần là 22.000 SGD (~16.400USD) mỗi năm. Trường quốc tế One World và trường quốc tế Middleton đã thắng trong hai đợt đấu thầu này. 

Thay đổi nhu cầu trong nước 

Không chỉ do nhu cầu của người nước ngoài làm thay đổi thị trường giáo dục trên khắp Đông Nam Á. Sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, gia đình ít con hơn và mức thu nhập tăng đã thúc đẩy nhu cầu cho con cái đến học trường quốc tế bình dân. 

Khoảng 80% học sinh các trường quốc tế ở Châu Á là con của những gia đình địa phương, theo Nghiên cứu ISC 

Các trường có mức học phí trung bình khác với phân khúc cao cấp ở chỗ các trường này thường có kích thước lớp học lớn hơn, ít cơ sở vật chất hơn, chương trình học ít hơn và trình độ giáo viên thả lỏng hơn. 

Tại Malaysia, việc thay đổi quy định của chính phủ một lần nữa đã đóng một vai trò quan trọng. Các quy tắc xung quanh việc những gia đình Malaysia gửi con cái họ đến các trường quốc tế đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua. Trước năm 2007, người dân Malaysia không được phép theo học các trường quốc tế. Từ năm 2007 đến năm 2012, luật cho phép giới hạn tuyển sinh cho người dân địa phương là 40%. 

Hiện nay, không có bất kỳ giới hạn nào, nhiều học sinh Malaysia theo học các trường quốc tế hơn là người nước ngoài. 

Việt Nam cũng có những quy định thoải mái hơn. Mức giới hạn cho học sinh địa phương tại các trường quốc tế dần được tăng từ 20% lên 50%. 

Goh cho biết: “Thị trường giáo dục trong khu vực ngày càng cạnh tranh và dần chuyển từ cao cấp sang bình dân”. 

P.V
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595