SMU ra mắt Hội đồng tư vấn Quốc tế tại Viêt Nam và tổ chức đối thoại giữa các lãnh đạo ngành

TTGĐ - Vừa qua, Đại học Quản lý Công lập Singapore (Singapore Management University – viết tắt là SMU), trường đại học hàng đầu ở khu vực châu Á được công nhận về nghiên cứu đẳng cấp thế giới và giảng dạy xuất sắc, chính thức ra mắt Hội đồng Tư vấn Quốc Tế tại Việt Nam nhằm mục đích thiết lập, củng cố, tăng cường sự hợp tác và cam kết của SMU với chính phủ địa phương cũng như cộng đồng học thuật và doanh nghiệp trong nước.

Hội đồng Tư vấn Quốc tế của SMU được thành lập với mục tiêu tìm kiếm cơ hội hợp tác và thu hút đối tác, cựu sinh viên nhằm tiếp cận doanh nghiệp, phát triển cộng đồng đối tác của SMU ở nước ngoài. Hội đồng tạo nền tảng thúc đẩy sự tích cực tương tác giữa cựu sinh viên nước ngoài, sinh viên quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp địa phương và học viên hiện tại của SMU.

Các thành viên tham dự lễ ra mắt Hội đồng IAC VN .

Song song đó, SMU cũng tổ chức buổi Đối thoại giữa các lãnh đạo Ngành tại Việt Nam để thảo luận về đề tài nguồn nhân lực lãnh đạo, cũng như những thách thức trong việc tìm kiếm, quản lý và duy trì nhân tài.

Được tổ chức tại Sofitel Saigon Plaza, chương trình đã thu hút sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp, đại diện chính phủ, các nhà nghiên cứu hàng đầu trong nước, các nhà quản lý cấp cao và cựu sinh viên SMU tại Việt Nam. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của Bà Leow Siu Lin – Tổng Lãnh sự Singapore tại TP. Hồ Chí Minh và Giáo Sư Arnoud De Meyer – Hiệu trưởng trường SMU.

Hội đồng Tư vấn Quốc tế trường SMU tại Việt Nam


Gs. De Meyer cho biết: "SMU đang đẩy mạnh sự hợp tác của mình với các nước trong khu vực thông qua hàng loạt sáng kiến, và chúng tôi muốn thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam. Đóng vai trò như người cố vấn và giúp đỡ, Hội đồng Tư vấn Quốc tế bao gồm các nhà lãnh đạo kinh doanh nổi bật, đáng kính đến từ Việt Nam và Singapore đã được thành lập nhằm hỗ trợ các nỗ lực chung của SMU trong việc xây dựng danh tiếng trên toàn cầu và trở thành một trường đại học hàng đầu châu Á. Sự tư vấn và hướng dẫn này chắc chắn sẽ là nhân tố quan trọng trong việc phát triển hơn nữa cam kết của SMU với Việt Nam. 

Sự thành công của buổi Đối thoại giữa các lãnh đạo Ngành và việc ra mắt Hội đồng Tư vấn Quốc tế ở Việt Nam là sự tiếp nối từ hai chương trình trước đã được tổ chức tại Myanmar (Tháng 7/2017) và Philippines (Tháng 10/2017). Dự định trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ thành lập Hội đồng tại những quốc gia khác trong khu vực, nơi có nhiều cựu sinh viên, và thiết lập mối quan hệ với các học viện địa phương, doanh nghiệp và chính phủ.

Hiệu trưởng trường SMU - Giáo sư Arnoud De Meyer phát biểu khai mạc chương trình.

Hội đồng Tư vấn Quốc tế trường SMU tại Việt Nam do Ông Don Lam làm chủ tịch, bao gồm các thành viên sau đây:

1. Ông Don Lam - Giám đốc điều hành kiêm Đồng sáng lập tập đoàn VinaCapital

2. Ông Zulkifli Bin Baharudin - Chủ tịch tập đoàn Indo-Trans

3. TS. Dương Như Hùng - Trưởng Bộ môn Tài chính, Khoa Quản lý Công nghiệp, Đại học Bách khoa TP. HCM (thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam)

4. Bà Lê Mai Lan - Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup

5. Ông Phua Koon Kee - Giám đốc điều hành kiêm Đồng sáng lập Acquarius Việt Nam

6. Ông Arthur Tay - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn SUTL

7. Bà Tiêu Yến Trinh - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn TalentNet

8. Ông Nguyễn Tấn Kiến Phước (Cựu sinh viên MBA trường SMU, niên khóa 2016) - Giám đốc điều hành tập đoàn Sáng tạo 360 độ Việt Nam

Thành viên thuộc Hội đồng Tư vấn Quốc tế trường SMU tại Việt Nam trong vai trò là đại sứ của trường, sẽ hỗ trợ các hoạt động của SMU tại Việt Nam, bao gồm các cuộc đối thoại, tham luận nhằm nâng cao nhận thức về tư duy lãnh đạo và nhiều lĩnh vực chuyên môn của SMU, cũng như các buổi họp, gặp mặt cựu sinh viên. Tùy tính chất của từng chương trình mà thành viên có thể là người tham dự hoặc trong vai trò đề cử, hỗ trợ mời đối tượng phù hợp tham gia.

SMU tổ chức Đối thoại giữa các lãnh đạo Ngành

Tại buổi Đối thoại của các nhà lãnh đạo Ngành, Tiến sĩ Rick Smith - Giáo sư bộ môn Quản trị Chiến lược (Thực tiễn) tại Khoa Kinh doanh SMU Lee Kong Chian, đã có bài phát biểu về "Nguồn nhân lực lãnh đạo cho tương lai". Ông đã chỉ ra nhu cầu của các công ty, phải phát triển cả hệ thống nguồn nhân lực bên trong lẫn bên ngoài để giải quyết sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhân tài ở Việt Nam: hệ thống bên ngoài liên quan đến các nhà cung cấp tài nhân tài, đối tác, khách hàng và các bên liên quan khác để tạo ra một hệ sinh thái nhằm xây dựng và nuôi dưỡng tài năng; hệ thống bên trong bao gồm các cấu trúc, văn hoá, lãnh đạo và quản lý nhân tài để tạo ra nguồn nhân lực to lớn cho tổ chức.

Tiến sĩ Rick Smith phát biểu về đề tài "Nguồn nhân lực lãnh đạo" cho tương lai.

Giáo sư Smith đóng vai trò dẫn dắt buổi tham luận về đề tài "Cuộc chiến nhân tài", các thành viên tham gia gồm có Ông Don Lam - Giám đốc điều hành kiêm Đồng sáng lập tập đoàn VinaCapital; Bà Tiêu Yến Trinh - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn TalentNet; và Bà Lê Mai Lan - Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup. Ban hội thẩm thảo luận các vấn đề liên quan đến sự cạnh tranh trong lĩnh vực nhân lực, khả năng tạo ra các liên minh bên ngoài để tạo tác động và thách thức xây dựng văn hoá tổ chức trong một môi trường kinh doanh siêu phát triển. Các tham luận viên đồng ý rằng, nguồn nhân lực đang ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh và các phương pháp tiếp cận mới là cần thiết để mở đường cho sự thành công kinh doanh ở Việt Nam.

Giáo sư Arnoud De Meyer cho biết thêm: "Việt Nam là một trong những nước phát triển nhanh nhất trên thế giới, cải cách kinh tế và chính trị trong 30 năm qua đã làm thay đổi Việt Nam một cách đáng kể. Ngày 10 tháng 11 năm 2017, Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 6,5% - 6,7% bằng cách thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư. Khoảng 70% dân số Việt Nam đang trong độ tuổi lao động, tỉ lệ thất nghiệp thấp, nhu cầu trong nước đang tăng mạnh và dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng vẫn tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu lành mạnh.

Để duy trì tăng trưởng dài hạn của Việt Nam và đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2035, sự phát triển về nguồn nhân lực là rất quan trọng. Do đó, cuộc Đối thoại giữa các lãnh đạo Ngành là kịp thời và là một phần không thể tách rời với những nỗ lực chung của SMU trong việc tăng cường sự hiểu biết và hợp tác với Việt Nam. Cuộc đối thoại là nền tảng cho các nhà lãnh đạo ngành, giới học giả và các bên liên quan khác chia sẻ, thảo luận và tranh luận các ý tưởng, các vấn đề phù hợp về Việt Nam hiện tại".

Các thành viên tham luận về để tài "Cuộc chiến nhân tài".

Với mục tiêu nhấn mạnh vào việc thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu, đa ngành, có tầm ảnh hưởng lớn trong đó hướng đến giải quyết các vấn đề châu Á, các thành viên trong các khoa của SMU hiện đang phối hợp chặt chẽ với các nhà nghiên cứu quốc tế và các trường Đại học từ Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời phối hợp cùng các đối tác trong cộng đồng doanh nghiệp và khu vực công tại các viện nghiên cứu và các trung tâm nghiên cứu của trường. Cơ sở trường Đại học SMU có trang thiết bị hiện đại nằm ngay tại trung tâm thương mại của Singapore, là điều kiện thúc đẩy các liên kết chiến lược với cộng đồng doanh nghiệp và xa hơn nữa.

TTGĐ.
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: tiepthigiadinhonlines@gmail.com

Tiếp Thị Gia Đình Online ©

Email: tiepthigiadinhonline@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tiếp Thị Gia Đình Online khi phát hành lại những thông tin này!

Địa chỉ: Lầu 4 Tòa nhà VID1 - số 115 đường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 04.68014594 - Fax: 04.68014595